Những địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ nên ghé thăm
61 năm đã trôi qua, nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu do vị đại tướng trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp chỉ huy vẫn còn âm vang hào khí trên mảnh đất nhuộm đỏ máu và oai hùng ấy.
Đến Điện Biên những ngày tháng 5 lịch sử này không thể không đến thăm quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ trong lòng thành phố và sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng (huyện Điện Biên).
Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ trải dài trên lòng chảo Ðiện Biên, nay chính là thành phố Điện Biên Phủ. Đây là một thung lũng trũng được bao bọc bởi những bức tường núi trùng điệp, có chiều dài 18km và chiều rộng là 6km.
Di tích đầu tiên mà du khách không thể bỏ qua là Đồi A1, ngọn đồi trọng tâm trong dãy phía đông bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là địa điểm diễn ra những trận giao tranh ác liệt và dai dẳng, quy mô nhất chiến dịch. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1. Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa.
|
Di tích miệng hố bộc phá trên đỉnh đồi A1 - Ảnh Nguyễn Việt Bắc |
Cách đồi A1 300m về phía nam có Nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958 nơi thờ phụng 644 liệt sĩ đã hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ có 4 ngôi mộ có tên liệt sĩ là :Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can và Bế Văn Đàn.
|
Nghĩa trang liệt sỹ A1 - Ảnh Hàm Châu |
Trên ngọn đồi này còn có hầm De Castries- nơi mà toàn bộ đầu não của địch giơ tay đầu hàng quân ta. Hầm nay đã được cải tạo, tu sửa giữ nguyên cấu tạo, vị trí, kích thước như ban đầu để bảo tồn và phục vụ du lịch. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc. |
hầm De Castries - Ảnh Nguyễn Việt Bắc |
Cứ điểm đồi Him Lam (Bectrice) là một trung tâm đề kháng mạnh nằm ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ trong 6 tiếng đồng hồ chiến đấu, quân đội ta đã chiếm được Him Lam, dành chiến thắng mở đầu cho chiến dịch ngày 13/3/1954. Ngày nay trên ngọn đồi này vẫn còn hệ thống hầm hào, ụ súng do người Pháp xây dựng.
|
Đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn bạc trước trận đánh trên đồi Him Lam, Ảnh Tư liệu. |
Ngoài ra còn có đồi Độc Lập, nơi diễn ra trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm ngày 15/3/1954. Các đồi C, D, E cũng là nơi quân đội Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp giành giật nhau từng tấc đất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1- biểu tượng cho tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân và dân Việt Nam nằm ngay ở vị trí trung tâm thành phố. Quần thể tượng đài cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thị xã đều nhìn thấy.
|
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ- Nguồn Cinet.gov.vn |
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở phường Mường Thanh - nơi lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh, ảnh tư liệu… liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ và toàn bộ cuộc chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của quân và dân Việt Nam để có chiến thắng 7-5-1945, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
|
Ảnh Hà Dũng |
Nếu
du khách đến với Điện Biên bằng đường hàng không thì sẽ được chiêm ngưỡng di tích sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206 đã được cải tạo thành cảng hàng không.
Cùng với khu quần thể di tích lịch sử là cụm di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng cách trung tâm thành phố gần 40km. Khu vực này có một hệ thống liên hoàn những lán làm việc của các cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong đó có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính Đại tướng đã đích thân lựa chọn khu rừng nguyên sinh cổ thụ này để xây dựng khu trung ương đầu não chỉ huy chiến dịch này.
|
Du khách tham quan lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Công trình vĩ đại nhất tại Mường Phăng chính là đường hầm nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm dài 69m, đào xuyên qua đồi để tránh bom và đạn, pháo.
|
Ảnh Nguyễn Việt Bắc |
Những bậc tam cấp dẫn lên miệng hầm (cũng là lán của Đại tướng) nay đã phủ rêu phong của thời gian nhưng vẫn còn đó bóng dáng của người chỉ huy tài ba, lỗi lạc một thời. Đường hầm nay được lắp hệ thống điện thắp sáng và được quét dọn sạch sẽ mỗi ngày.
Ngoài ra, còn phải nhắc đến cụm tượng đài công viên chiến thắng Mường Phăng; di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ... những di tích mới được phục dựng nhằm tái hiện một Điện Biên hào hùng năm xưa.
Xem thêm:
Những món đồ lưu niệm nên mua khi đi du lịch Nhật Bản
Những địa danh nhất định phải khám phá tại mảnh đất hình chữ S hè 2015 (phần 2)