Những kẻ khủng bố bị lãng quên

Ở đâu có chủ nghĩa cực đoan, ở đó có chủ nghĩa khủng bố. Nhưng 1 kẻ khủng bố có thể không thu hút được mấy sự chú ý của dư luận Mỹ vào lúc này.
Những kẻ khủng bố bị lãng quên

Trong những ngày cuối tháng 4 này, các nhà làm luật tại bang Oklahoma lại tiếp tục làm nóng vấn đề “có nên phá thai” hay không bằng việc trình lên Thống đốc bang này một dự luật cho phép thu hồi giấy phép của những bác sĩ tham gia phá thai. Ở một đất nước tự coi là tự do dân chủ như Mỹ, vấn đề phá thai luôn là vấn đề đấu tranh quyết liệt. Thậm chí trở thành một phần của cương lĩnh tranh cử tổng thống.

Nhưng vấn đề không chỉ còn là những tranh cãi về tính pháp lý hay đạo đức.

Như nhiều công dân Mỹ ngoan đạo khác, bác sỹ George Tiller làm việc chăm chỉ cả tuần và dành ngày chủ nhật để phụng sự Chúa. Ông có mặt ở nhà thờ từ sáng sớm, dọn dẹp chuẩn bị cho buổi lễ, đứng đón các giáo dân, phân phát các tờ thông báo, thu thập tiền quyên góp và trợ giáo cho mục sư.

Những kẻ khủng bố bị lãng quên ảnh 1

Bác sỹ George Tiller bên ngoài phòng khám của ông những năm 1992.

Nhưng một ngày chủ nhật cuối tháng 5 năm 2009, công việc của ông bị gián đoạn khi một tiếng súng lạnh lùng vang lên.

Bác sỹ Tiller đã nhiều lần thoát khỏi bàn tay thần chết. Một lần khi phòng khám của ông bị đặt bom. Một lần khác khi ông bị truy đuổi trên đường phố và bắn bị thương 2 bàn tay. Nhưng lần này, phát đạn từ khoảng cách rất gần đã xuyên qua hốc mắt và bay thẳng vào não vị bác sỹ xấu số.

Một sự trừng phạt hoàn hảo cho những “tội ác” của bác sỹ Tiller đã gây ra: sát hại trẻ con, tiêm hóa chất vào trái tim chúng, hút não chúng khỏi hộp sọ, lôi chúng ra khỏi lòng mẹ. Đó chí ít là những gì kẻ đã ám sát ông thật sự tin. George Tiller là một bác sỹ phụ khoa chuyên nạo phá thai ở giai đoạn muộn của thai kỳ.

Nghề nguy hiểm

Bác sỹ phá thai là một nghề nguy hiểm ở Mỹ. Kể từ khi Mỹ hợp pháp hóa nạo thai vào những năm 1970, đã xảy ra ít nhất 11 vụ giết người, hơn 40 vụ đánh bom, và hơn 200 vụ đốt phá nhằm vào các phòng khám có cung cấp dịch vụ nạo phá thai.

Một cuộc khảo sát tiến hành gần đây tại Mỹ cho thấy, có khoảng 20% phòng khám kế hoạch hóa gia đình là nạn nhân của các hình thức bạo lực cực đoan, gồm xâm nhập, phong tỏa và phá hoại. Hơn 1 nửa số phòng khám đã từng bị đe dọa, một phần tư trong số đó chịu sự đe dọa với tần suất hàng ngày.

Chỉ một thiểu số vào khoảng 12% số phòng khám là chưa bị quấy phá.

Các bác sỹ và nhân viên phòng khám thường làm việc trong trạng thái bất an. Những nhóm người biểu tình hàng ngày tụ tập ngoài phòng khám. Họ mang theo những tấm ảnh được phóng to in hình những bào thai bị cắt thành nhiều mảnh, đôi khi chỉ là những con búp bê tả tơi, đẫm máu. Họ chặn đường và quấy rối bất cứ ai ra vào phòng khám, từ bác sỹ, y tá, bệnh nhân, cho tới cả những người đưa thư hoặc người rao bánh pizza.

Khi bác sỹ phải mặc áo chống đạn

Bác sỹ sản phụ khoa Diane Hovarth Cosper đã chuyển tới hành nghề tại thủ đô Washington DC, một trong những nơi dễ thở nhất đối với các bác sỹ trong lĩnh vực này. Trước đó, bà làm việc tại một phòng khám kế hoạch hóa gia đình Minnesota, nơi các nhân viên bảo vệ hàng ngày phải hộ tống bác sỹ, y tá và các nhân viên từ cửa xe hơi vào tận trong văn phòng. Nhưng điều đó không khiến họ yên tâm hơn. Một trụ sở mới được xây dựng với cảnh cửa khổng lồ luôn khóa chặt, một bức tường rào cao và bãi đỗ xe ngầm dưới đất.

“Mức độ an ninh cao đặc biệt như thế này đơn giản là không cần thiết tại những cơ sở y tế khác, bởi những hành vi bạo lực như thế này không xảy ra đối với những lĩnh vực khác”, bác sỹ Hovarth Cosper cho biết. Nỗi lo sợ tiếp tục theo nữ bác sỹ đến tận Washington DC. Một ngày, bà phát hiện hình ảnh của mình và con gái cùng địa chỉ phòng khám và số giấy phép hành nghề được đăng tải trên một trang web chống nạo phá thai, trong một danh sách “Băng đảng phá thai”. “Khi tôi ở nơi công cộng, tôi luôn phải cảnh giác ngó nghiêng xung quanh. Mỗi khi nổ máy xe, luôn có một khoảnh khắc sợ hãi rằng chiếc xe đã bị gài bom. Trên phương tiện công cộng, nếu có ai nhìn tôi lâu hơn 1 vài giây, tôi lo sợ rằng họ nhận ra mình và có thể họ đang có ý đồ xấu”, bà nói.

“Tôi lo lắng về sự an toàn của con gái. Tôi sợ rằng 1 ngày nào đó những người biểu tình sẽ tới nhà trẻ và tìm cách làm hại nó để trừng phạt tôi. Thấy ảnh của con gái trên trang web chống nạo phá thai khiến tôi cân nhắc về việc nó sẽ an toàn hơn nếu sống xa tôi, và sự có mặt của tôi trong cuộc đời con có thể mang đến nhiều điều tệ hại hơn là tốt đẹp”. Đối với những bác sỹ thực hiện nạo phá thai vào giai đoạn muộn của thai khi như George Tiller, nỗi nguy hiểm nhân lên gấp bội. Thường xuyên bị đe dọa đến tính mạng, ông phải ra đường với áo chống đạn và xe bọc thép. Ông là một trong số rất ít những bác sỹ sản phụ khoa nhận xử lý những ca phá thai muộn ở Mỹ.

Những kẻ khủng bố bị lãng quên ảnh 2

Phá thai và nhân đạo. Ảnh minh họa

“Chúng tôi luôn giới thiệu những trường hợp bi kịch nhất tới phòng khám của bác sỹ Tiller”, bà Susan Hill, chủ tịch quỹ sức khỏe phụ nữ quốc gia, cho biết. Đó là những phụ nữ bị phát hiện ung thư và không thể bắt đầu hóa trị nếu không chấm dứt thai kì. Hay những thai nhi bị chẩn đoán mắc dị tật nghiêm trọng và không có khả năng tương thích với cuộc sống bên ngoài, những bé gái bị xâm hại và còn quá nhỏ để hiểu về tình trạng mang thai của mình. Kate, một phụ nữ 29 tuổi ở Boston, đã phải bỏ thai ở tuần thứ 36. Thai nhi, được đặt tên là Rose, bị mắc những dị tật nghiêm trọng. Nếu ra đời, em bé sẽ không biết nuốt, không thể tập đi tập nói, không thể ngủ, và rất có khả năng không phối hợp được với nhịp tim và nhịp thở.

“Có 2 món quà dành cho con gái tôi: An bình, hoặc sự sống, tôi chỉ được chọn một. Tôi chọn an bình. Đó không phải một quyết định dễ dàng, và không phải một quyết định khiến tôi hối tiếc”, Kate tâm sự trên một trang web chia sẻ của các bà mẹ phải bỏ thai. “Mất con khiến tôi như tan vỡ thành trăm mảnh, nhưng tôi biết rằng tôi đang chịu đau khổ để con gái tôi không phải chịu đựng điều đó”.

Chỉ có 20% số bang ở Mỹ không hạn chế phá thai ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Kate đã phải vượt hơn 3000 km từ Massachusetts sang Colorado để bỏ thai. Sau khi trở về, cô tiếp tục với những khó khăn mới. “Một số thách thức từ việc tôi đang sống tại nước Mỹ, nơi người ta mải tranh cãi hơn là bày tỏ sự cảm thông” Kate co biết. “Và bác sỹ Tiller, người đáng lẽ có thể giúp tôi ở Kansas đã không thể làm vậy vì ông đã bị bắn thẳng vào mặt bởi một tên khủng bố nội địa.

Đức tin lành thuốc độc

Giống như bác sỹ Tiller, kẻ đã sát hại ông cũng là một người Mỹ ngoan đạo. Scott Roeder tin vào chúa Jesus, và tin rằng mình có một sứ mệnh đặc biệt và cao cả: Bảo vệ mạng sống của những đứa trẻ vô tội. Điểm khác biệt là Tiller theo đạo tin lành còn Roeder thì là một tín hữu công giáo thủ cựu.

Nếu các nhà thờ tin lành chấp nhận việc phá thai trong một số trường hợp đặc biệt, thì phần lớn các nhà thờ công giáo ở Mỹ lên án nạo phá thai ở bất kỳ lý do gì. Nguyên nhân bắt nguồn từ quan niệm “Cuộc sống bắt đầu từ khoảnh khắc thụ thai”. Điều đó có nghĩa việc nạo phá thai tại bất cứ giai đoạn nào cũng đồng nghĩa với giết người. Thậm chí, hành vi đặt vòng tránh thai, sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc loại bỏ những phôi thai đông lạnh không dùng tới sau khi thụ tinh ống nghiệm thành công cũng đồng nghĩa với giết người, do chúng cản trở phôi thai “làm tổ”.

“Kể từ thời khắc thụ thai trở đi, phá thai là giết người. Chấm dứt cuộc sống của người khác không phải việc của con người, mà là việc của đức chúa cha”, Roeder tự bào chữa tại tòa. Một nghiên cứ xã hội học công bố năm 2008 cho thấy, 66% những người tham gia các hoạt động chống nạo phá thai là người công giáo. Trên trang web của nhóm vũ trang chống nạo phá thai có tên Đội quân của Chúa (Army of god) mà Scott Roeder là thành viên, những tội phạm như y được nhắc đến với những ngôn từ hoa mỹ và một danh hiệu trang trọng: Anh hùng Hoa Kỳ.

“Một người mà trần thế không xứng đáng có được” là sự tôn vinh dành cho Paul Jenning Hill, một tử tù bị hành quyết bằng thuốc độc năm 2003 vì tội sát hại một bác sỹ phụ khoa và vệ sỹ của ông. Người phát ngôn của Đội quân của Chúa, linh mục Donald Fpitz, có tên trong danh sách theo dõi đặc biệt của Cục điều tra liên bang Mỹ trong khoảng 20 năm nay vì được cho là có âm mưu “thay đổi xã hội bằng những hoạt động bạo lực”. 5 năm sau cái chết của bác sỹ Tiller, phòng khám của ông ở Wichita, Kansas mở của hoạt động trở lại. Scott Roeder, lúc này đang chấp hành tù trung thân, gửi tới những người chủ mới một thông điệp lạnh gáy: “Nếu 100 người nạo phá thai bị bắn chết có thể cả ngành này sẽ ngừng hoạt động. Tôi biết rằng đã có 8 người bị bắn chết, có nghĩa còn 92 người nữa. Cô ta có thể sẽ là người thứ 9. Cô ta đã vẽ một hồng tâm lên người mình”.

Còn bao nhiêu vụ giết người?

Cách phòng khám mới mở của trở lại của cố bác sỹ Tiller khoảng hơn 1 giờ lái xe, một phòng khám kế hoạch hóa gia đình khác ở Colorado Springs đã trở thành mục tiêu của bạo lực chống nạo phá thai. Ngày 27/11/2015, một người công giáo cực đoan khác đã xả súng vào phòng khám này, lấy đi mạng sống của một cảnh sát, một cựu chiến binh và một bà mẹ 2 con. Vụ việc nhanh chóng bị nhấn chìm bởi làn sóng truyền thông về vụ xả súng của 2 người Hồi giáo cực đoan ở Sanbernardino, California xả ra sau đó một tuần.

Xuất hiện trước tòa vào tuần trước, thủ phạm Robert Lewis Dear, một thành viên khác của Đội quân của Chúa, là bản sao của chiến hữu Scott Roeder. Dear nhận mọi trách nhiệm về sự tấn công, và nhận mình là “người bảo vệ của các em bé”.

Những kẻ khủng bố bị lãng quên ảnh 3

Scott Roeder (phải) trong phiên tòa xủ lý vụ bắn chết Bác sỹ George –Tiller năm 2009

Thống đốc Colorado John Hickenlooper là một trong số không nhiều chính trị gia lên tiếng gọi vụ xả súng này là một hành vi “khủng bố nội địa”. Ông chỉ ra một thực tế rằng vụ xả súng và những vụ bạo lực khác có thể là kết quả của những “lời nói đại ngôn đổ dầu vào lửa” được ném qua lại hai phe ủng hộ và phản đối nạo phá thai.

Đó, nói đúng hơn là một cuộc chiến giữa hai luồng tư tưởng cực đoan, được tiếp sức bởi niềm tin tôn giáo và những toan tính chính trị nhằm tranh giành lá phiếu cử tri.

Ở đâu có chủ nghĩa cực đoan, ở đó có chủ nghĩa khủng bố. Nhưng một kẻ khủng bố có thể không thu hút được mấy sự chú ý của dư luận Mỹ vào lúc này, cầu nguyện 5 lần một ngày vào hô “Allahu Akbar”.

Phạm Trấn Hoàng Sa

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.