Những lỗ hổng trong việc bảo vệ yếu nhân của Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vụ tấn công Thủ tướng Kishida Fumio bằng thiết bị nổ tại một sự kiện vận động bầu cử ở miền Tây Nhật Bản hôm thứ Bảy tuần trước một lần nữa cho thấy những thiếu sót trong phương pháp bảo vệ các quan chức của lực lượng an ninh nước này, nhất là sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo năm ngoái.
Nghi phạm Kimura Ryuji bị bắt giữ tại hiện trường sau khi ném bom khói về phía Thủ tướng Kishida Fumio. Ảnh: Kyodo
Nghi phạm Kimura Ryuji bị bắt giữ tại hiện trường sau khi ném bom khói về phía Thủ tướng Kishida Fumio. Ảnh: Kyodo

Những nỗ lực của cảnh sát để giữ các thành phần cực đoan khỏi Thủ tướng Kishida diễn ra hết sức lỏng lẻo. Khi mùa bầu cử diễn ra, nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu các vấn đề an ninh có được xử lý kịp thời hay không và cách giải quyết chúng sẽ được tiến hành như thế nào.

Kimura Ryuji, người đàn ông 24 tuổi bị tình nghi thực hiện vụ tấn công ông Kishida, đã trà trộn vào đám đông từ trước. Tên này đã tiếp cận Thủ tướng Nhật Bản ở khoảng cách khoảng 10 m trước khi ném bom khói. Đoạn video quay tại hiện trường cho thấy một vật thể hình trụ rơi xuống gần ông Kishida. Một tiếng nổ lớn vang lên trước khi ông Kishida được cảnh sát hộ tống khỏi hiện trường.

Các quy trình bảo vệ yếu nhân, được quy định trong quy tắc nội bộ của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), đã được sửa đổi kỹ lưỡng lần đầu tiên trong khoảng 30 năm sau vụ ám sát ông Abe vào tháng 7 năm 2022.

Các quy tắc mới yêu cầu cảnh sát địa phương chuẩn bị một kế hoạch an ninh trước khi một chức sắc đến thăm các địa điểm.

Những ưu tiên trong các kế hoạch an ninh này bao gồm ngăn chặn những kẻ khả nghi tiếp cận các quan chức, nhanh chóng xác định các đối tượng nguy hiểm và các mối đe dọa tiềm tàng khác.

Những lỗ hổng trong việc bảo vệ yếu nhân của Nhật Bản ảnh 1

Vật thể hình trụ được ném về phía Thủ tướng Kishida Fumio. Ảnh: Kyodo

Trong trường hợp vụ ông Kishida bị tấn công, kế hoạch bảo vệ sẽ do Cảnh sát tỉnh Wakayama phụ trách và được cơ quan cảnh sát phê duyệt. Nhưng đây là lúc mâu thuẫn xảy ra.

Đầu tiên, nghi phạm, được phép tiếp cận Kishida tại một cảng cá, nơi khoảng 200 người đã tụ tập để nghe vị Thủ tướng phát biểu. Mặc dù khu vực này rộng vài trăm mét vuông nhưng người dân, bao gồm cả nghi phạm, được phép đến gần ông Kishida trước khi bài phát biểu bắt đầu.

Matsumaru Toshihiko, cựu sĩ quan cảnh sát có kinh nghiệm bảo vệ yếu nhân ở Nhật Bản và nước ngoài, cho biết: “Đám đông có thể đã che khuất tầm nhìn của lực lượng an ninh và làm chậm việc phát hiện ra nghi phạm.

Cảnh sát, bao gồm cả các sĩ quan mặc đồng phục, đã có mặt tại hiện trường nhưng không nhận ra mối đe dọa từ nghi phạm, cho phép người này ném một thiết bị phát nổ về phía ông Kishida.

Lực lượng an ninh tỉnh Wakayama cho biết trước đó họ không coi nghi phạm có thể gây nguy hiểm. Nhưng người thanh niên đeo ba lô đã đến địa điểm một mình và "gây chú ý vì anh ta không phải là người địa phương", theo một phụ nữ có mặt ở đó. Nhiều nhân chứng khác cũng đồng tình với quan điểm này. Vụ việc có thể đã được ngăn chặn nếu cảnh sát thẩm vấn nghi phạm Kimura từ trước.

Cũng có những vấn đề trong việc đánh giá mức độ an ninh của khu vực cảng nơi xảy ra vụ viêjc. Theo các quy định sửa đổi, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia và cảnh sát địa phương phải tiến hành kiểm tra an ninh trước khi các quan chức xuất hiện. Quy định này được đưa ra sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe nhằm giúp các nhà chức trách đánh giá chính xác các rủi ro an ninh tiềm ẩn để lên kế hoạch bảo vệ.

Không có cuộc kiểm tra trước nào được thực hiện tại khu vực cảng vì hiếm khi các chính trị gia phát biểu tại đó.

Vấn đề thứ ba là cảnh sát đã cho phép nghi phạm mang thiết bị nổ vào. Cảnh sát tỉnh Wakayama đã không kiểm tra đồ đạc của những người có mặt tại hiện trường. Khu vực khán giả được bao quanh bởi một hàng rào cao 1 m, nhưng mọi người có thể ra vào địa điểm bất kỳ lúc nào bằng cách trèo qua nó.

Những lỗ hổng trong việc bảo vệ yếu nhân của Nhật Bản ảnh 2

Thủ tướng Kishida kêu gọi tăng cường an ninh cho chiến dịch vận động tranh cử Hạ viện bổ sung ở Nhật Bản vào cuối tháng 4. Ảnh: Nikkei Asia

Một quan chức của Đảng Dân chủ Tự do tại tỉnh Wakayama, đơn vị tổ chức sự kiện, cho biết trong kế hoạch an ninh không có yêu cầu kiểm tra đồ đạc của người dân.

Theo chuyên gia an ninh Matsumaru, ở Mỹ và châu Âu, các bài phát biểu của chính trị gia chủ yếu được tổ chức trong nhà và máy dò kim loại thường được sử dụng để kiểm tra đồ đạc cá nhân. Ngoài ra, chó nghiệp vụ cũng được triển khai để tìm kiếm chất nổ.

Các tiêu chuẩn an ninh dành cho tổng thống đã được nâng cao tại Mỹ sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963.

Ở các quốc gia khác, cảnh sát mặc thường phục và nhân viên bảo vệ thường đứng giữa khán giả, ngay cả khi chính trị gia và khán giả cách xa nhau. Osanai Hideto, giám đốc khu vực châu Á của Hiệp hội vệ sĩ quốc tế, cho biết: "Ở Nhật Bản, vẫn có rất ít giả định rằng các quan chức sẽ là mục tiêu bị tấn công bằng chất nổ".

Kawamoto Shiro, giảng viên bộ môn xử lý khủng hoảng tại Đại học Nihon, chỉ ra rằng: “Cảng biển khác với một nhà ga hay cơ sở thương mại sầm uất. Sự kiện lẽ ra phải được tổ chức trong một môi trường có thể tiến hành kiểm tra hành lý nếu không gian dành cho khán giả được phân chia rõ ràng để mọi người không thể đến và đi".

Sau sự cố ở Wakayama, cuối tuần qua, Thủ tướng Kishida tiếp tục đến tỉnh Chiba và Oita để ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do khác.

“Chúng ta cần xem xét nghiêm túc việc cảnh sát đã để xảy ra hai vụ việc nghiêm trọng trong một năm. Cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các vấn đề an ninh, bao gồm chi tiết các cuộc thảo luận giữa cảnh sát và phía đơn vị tổ chức", ông Kawamoto nói.

Theo Nikkei Asia
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.