Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên và cung cấp 20-30% tổng nhu cầu năng lượng mỗi ngày. Một bữa sáng giàu năng lượng sẽ góp phần tăng hiệu suất học tập, khả năng tập trung cho trẻ. Đồng thời, bữa sáng đủ chất còn giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chống tụt đường huyết, cung cấp năng lượng để trẻ tăng trưởng về cơ, xương, nội tạng và phát triển hệ thần kinh. Ngoài ra, thói quen ăn sáng đầy đủ và thường xuyên giúp trẻ rèn luyện nếp sống lành mạnh sau này.
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết, bữa sáng cung cấp năng lượng cho ngày mới, giúp duy trì cân nặng hợp lý, bảo vệ dạ dày và hệ tiêu hóa, tăng cường hoạt động não bộ, miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Dinh dưỡng kém có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng nhận thức, học tập của trẻ trong độ tuổi đi học. Sự thật đáng buồn là theo nghiên cứu của Bộ Y tế, thực trạng trẻ bị đói khi đến trường vẫn còn tồn tại. Số trẻ tới trường hàng ngày bị đói chưa được xác định rõ, tuy nhiên đây là tình trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng còn chỉ ra một thực trạng khác. Đó là ở Việt Nam, bữa sáng cho trẻ chỉ cung cấp khoảng 23% năng lượng cả ngày. Cuộc sống bận rộn thường khiến các bà mẹ có rất ít thời gian để chuẩn bị bữa ăn sáng chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng. Những bữa sáng với đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên, rán, bánh ngọt, chứa nhiều tinh bột, no bụng nhưng không đủ chất. Bênh cạnh đó, chúng còn chứa hàm lượng chất béo khá cao, có thể làm hao hụt năng lượng của trẻ.
Cũng theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một bữa sáng đủ sẽ gồm 4 loại dưỡng chất là đạm và sắt, bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chất bột đường (cơm, cháo, khoai tây, khoai lang, mì...) khi chuyển hóa thành năng lượng sẽ giúp trẻ phát triển bộ não, tăng khả năng miễn dịch. Chất xơ (trái cây và rau xanh) bảo vệ đường ruột cho con, giảm lượng cholesterol và đường trong máu, duy trì cân nặng lý tưởng.
Đạm và chất sắt (thịt, cá, trứng, các loại hạt) giúp trẻ hình thành cơ bắp, bổ máu, tăng trí nhớ, cải thiện hô hấp. Vitamin và khoáng chất trong sữa tươi hoặc thức uống dinh dưỡng giúp trẻ tăng cường thị lực, phát triển xương, răng, lợi, mạch máu, thải độc...
Để đảm bảo sức khỏe cho bé, các mẹ cần phải cho con ăn sáng đúng giờ. Thời gian lý tưởng cho bữa sáng là vào khoảng thời gian từ 7 - 8h và sau khi ngủ dậy từ 20 - 30 phút. Bên cạnh đó, các mẹ cũng không nên cho con uống sữa thay bữa sáng mà chỉ nên cho con uống sữa sau khi ăn sáng và trong lúc bụng không đói.