Nghịch lý ở Thành phố mới Bình Dương
Sau 12 năm triển khai xây dựng, Thành phố mới Bình Dương cơ bản đã thành hình, Trung tâm hành chính mới Bình Dương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cơ bản đã hoàn thành, nhiều khu dân cư, tòa nhà đã và đang được xây dựng,...
Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng đó là sự ảm đạm đến khó tin của thành phố mới. Theo ghi nhận của phóng viên Ngày Nay, dù là một khu đô thị hiện đại, nhưng nghịch lý là số lượng dân cư dọn đến đây ở chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ đạt khoảng 20% - 30%. Kể cả những khu dân cư nằm “sát nách” trung tâm hành chính Bình Dương cũng cũng thưa thớt cư dân, nhiều khu xây xong thậm chí không có người sinh sống.
Những dãy nhà thẳng tắp xây dựng dọc theo tuyến đường được quy hoạch bài bản nhưng vắng bóng người. Do xây xong nhiều năm nhưng không có người ở, những khu dân cư trong thành phố mới hiện đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, tạo nên khung cảnh đầy ma mị.
Ngoài ra, nhiều khu đất của Thành phố mới Bình Dương hiện nay vẫn để trống, chưa được xây dựng, gây nên thực trạng rừng cây keo, cỏ dại xen lẫn với những khu nhà ở cao cấp đang thành hình. Thậm chí nhiều khu nhà đã bị cây dại mọc chen kín.
Nhiều tuyến đường nội khu lâu không được vệ sinh, lá cây, rác lấp đầy, cây cỏ mọc chen lấn. Thậm chí, một số tuyến đường hiện nay vẫn chưa được triển khai, chỉ được rải tạm đá dăm. Những điều này đã tạo nên một khung cảnh đầy nhếch nhác đằng sau những hình ảnh xa hoa về thành phố mới.
Việc người dân không chuyển về sinh sống tại Thành phố mới là thực trạng đáng buồn đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng chính quyền tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư vẫn không có giải pháp xử lý triệt để. Thêm một nghịch lý là dù Thành phố mới vắng bóng người, nhưng khu vực lân cận dân cư ngày càng đông đúc.
Vì đâu nên nỗi?
Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm đầu năm 2022, nhà phố tại thành phố mới đang được giao dịch từ 6, 7 tỷ đồng, thậm chí hơn 10 tỷ đồng/căn, tùy vào diện tích và vị trí căn. Có lẽ, giá bán quá cao là “rào cản” lớn nhất khiến thành phố mới mãi vắng bóng người, giá bán như trên là quá cao so với thu nhập của người dân sở tại và quá cao so với giá bất động sản trong khu vực. Trong khi đó, với khoảng 3 tỷ đồng, người dân có thể mua được một căn nhà phố với diện tích tương tự ở khu vực lân cận thành phố mới, thậm chí là một số khu thuộc TP.Thủ Dầu Một.
Dù vậy, hiện nay Becamex IDC cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đổ xô về TP mới Bình Dương, tiếp tục “chạy đua” với những dự án nhà ở cao cấp có giá bán ngày càng tăng.
Có lẽ, đối tượng khách hàng họ nhắm đến là những người đầu tư bất động sản, hầu hết đến từ các địa phương khác và người dân có thu nhập cao. Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh công nghiệp với tỷ lệ công nhân, lao động phổ thông rất lớn. Bản thân khu vực xung quanh thành phố mới tập trung rất nhiều khu công nghiệp, nơi sinh sống và làm việc của những người dân có mức thu nhập trung bình.
Với thực trạng như trên thì có lẽ, việc Thành phố mới Bình Dương vắng bóng dân về ở sẽ còn kéo dài, chưa biết khi nào mới khỏa lấp được. Một khu đô thị hiện đại, nhưng không phục vụ cho cộng đồng dân cư sở tại, suốt thời gian dài không có dân vào ở, trở nên hoang hóa thì xây dựng lên để làm gì?
Thành phố mới Bình Dương là tên một đề án xây dựng đô thị trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ đô thị tỉnh Bình Dương. Khu đô thị này nằm cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) khoảng 5km về hướng Đông Bắc, được xây dựng mới hoàn toàn với tổng mức đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng, không dùng tiền ngân sách.
Thành phố mới Bình Dương được khởi công xây dựng từ tháng 4/2010 do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC làm chủ đầu tư. Với tổng diện tích khoảng 1.000ha được quy hoạch, nơi đây sẽ trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của toàn tỉnh Bình Dương, một trung tâm đô thị hiện đại phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người đến làm việc.