Những tín hiệu lạc quan dành cho người nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhờ sự tiến bộ của y học, hàng triệu người nhiễm HIV/AIDS đã có thể chung sống với căn bệnh thế kỷ này, đồng thời thế giới cũng ghi nhận ít nhất 3 trường hợp đã âm tính trở lại với virus.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hơn 3 thập niên trước, việc chẩn đoán nhiễm HIV được xem như "án tử" đối với bất kỳ một ai. Không những thế, bản thân những người nhiễm HIV/AIDS phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử và chịu đựng tác dụng phụ nghiêm trọng của loại thuốc.

Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của y học, hàng triệu người nhiễm HIV/AIDS đã có thể chung sống với căn bệnh thế kỷ này. Nhiều người trong số họ đã chia sẻ trải nghiệm của mình.

Ông Paul Kidd, một luật sư, 59 tuổi, sống tại phía Bắc thành phố Melbourne, Australia. Ông cho biết có kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV vào năm 1991 nhưng có thể đã nhiễm virus này từ trước đó vài năm.

Năm 1986, ông đã yêu cầu xét nghiệm HIV song bác sỹ của ông đã khuyên không nên làm xét nghiệm vì "thời điểm đó chưa có phương pháp điều trị nào, trong khi xã hội có xu hướng kì thị và xa lánh những người nhiễm virus này."

Ông Kidd chia sẻ tuy khó có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm song điều này không thực sự bất ngờ vì một trong những người bạn gái cũ của ông đã qua đời vào năm 1988 vì HIV/AIDS. Nhiều người ông biết và yêu thương cũng qua đời vì HIV/AIDS.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, ông bắt đầu sử dụng loại thuốc kháng virus, có tên là AZT. Vị luật sư này cho biết loại thuốc này khiến ông rất mệt nhưng cũng nhờ đó mà ông giữ được mạng sống.

Hiện mỗi ngày ông đều uống 1 viên AZT song không còn phải chịu tác dụng phụ. Mặc dù vậy, xã hội vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận những người nhiễm HIV và điều này vẫn đang hiện hữu ở nhiều nơi.

Cảm thấy may mắn khi vẫn duy trì được cuộc sống, ông Kidd đã tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân AIDS. Đây cũng là cách để ông xoa dịu nỗi nhớ người thân bị căn bệnh này cướp đi mạng sống.

Trong khi đó, bà Pascale Lassus, một người đã về hưu, 62 tuổi, ở thành phố Bayonne, Tây Nam nước Pháp, cho biết bà vô tình nhiễm HIV vào năm 1984 do lây từ bạn trai. Bà không phát hiện ra điều này cho đến một thập niên, sau khi đi khám bệnh viêm phế quản.

Cô con gái 6 tuổi của bà Lassus cũng dương tính với HIV. Điều đau lòng là các bác sỹ khi ấy dự đoán cô con gái nhỏ của bà khó có thể sống qua tuổi vị thành niên.

Phương pháp điều trị duy nhất ở thời điểm bấy giờ là thuốc AZT, song thuốc có rất nhiều tác dụng phụ. Bà phải đánh thức cô con gái nhỏ vào mỗi đêm bởi thuốc này phải uống 4 giờ/lần.

Nhờ tiến bộ khoa học, năm 1995, một loại thuốc mới ra đời, đã giúp thay đổi nhiều điều.

Hiện con gái của bà Lassus đã 35 tuổi và là mẹ của 1 em bé khỏe mạnh. Việc em bé không nhiễm HIV luôn được bà coi là một phép màu.

Ông Joel Vermont, 58 tuổi, sống tại ngoại ô thủ đô Paris (Pháp), có kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV vào năm 1992.

Thời điểm biết được sự thật đó, chàng thanh niên 27 tuổi cảm thấy thế giới như sụp đổ hoàn toàn. Loại thuốc mới lại không có tác dụng với ông Vermont, trong khi tác dụng phụ của AZT khiến ông sụt gần 30kg. Ông Vermont đã rơi vào cảnh tuyệt vọng và tìm đến rượu.

Không lâu sau, ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn đầu. Sau khi hôn mê khoảng 45 ngày thì ông bị liệt một tay và mất khả năng đi lại.

Nhờ nghị lực chiến đấu với căn bệnh và những hỗ trợ về mặt tâm lý, ông Vermont đã dần tìm lại được sự lạc quan và hy vọng sống. Ông cũng thắng vụ kiện đối với công ty cũ vì lý do phân biệt đối xử.

Trong khi đó, cô Grissel Granados, 36 tuổi, là một bệnh nhân HIV/AIDS từ khi sinh ra.

Năm 1986, khi sinh cô ra tại Mexico, mẹ cô phải mổ cấp cứu và nhiễm HIV khi truyền máu. Tuy nhiên, mẹ cô đã không biết, nuôi con bằng sữa mẹ, do đó Granados cũng đã nhiễm HIV.

Tất cả các thành viên trong gia đình cô đều không biết điều này cho đến 5 năm sau, khi cha cô bắt đầu ốm yếu. Ông đã qua đời chỉ ít lâu sau khi được xác định nhiễm HIV. Khi đó, mẹ cô đang mang thai nhưng đã được khuyến cáo không nên nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, em gái cô có kết quả xét nghiệm âm tính với virus HIV.

Dù mắc ung thư vào năm 10 tuổi song cô Granados cho biết sức khỏe bản thân khá tốt. Cô mong xã hội sẽ hiểu và quan tâm hơn đến những trường hợp lây nhiễm HIV từ khi chào đời.

Năm 2023 đánh dấu 40 năm kể từ khi các nhà khoa học phát hiện ra virus HIV gây bệnh AIDS, cũng là 40 năm y khoa không ngừng nỗ lực nhằm tìm ra biện pháp để có thể "khai tử" căn bệnh này.

Thế giới cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan khi có ít nhất 3 trường hợp đã âm tính trở lại với virus này nhờ các bước tiến của khoa học.

Theo TTXVN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.