Nhóm nghiên cứu sử dụng máy đo nhịp tim để theo dõi khán giả xem thi đấu khúc côn cầu trên băng qua TV và trực tiếp tại sân. Những người xem qua TV có nhịp tim tăng trung bình 75% trong khi người xem trực tiếp tăng đến 110%.
Các nhà khoa học cho rằng những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cần được cảnh báo về các triệu chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi xem thi đấu.
"Chúng tôi nhận thấy yếu tố chính quyết định nhịp tim không phải kết quả trận đấu mà là sự phấn khích người xem trong những khoảnh khắc gay cấn", giáo sư Paul Khairy tại Viện Tim Montreal cho biết.
Trước khi tiến hành thử nghiệm, người tham gia được yêu cầu điền một bảng câu hỏi về sức khỏe tổng quát và diễn tả mức độ yêu mến họ dành cho đội tuyển sắp thi đấu. Kết quả cho thấy, mức độ yêu thích không ảnh hưởng nhiều đến những thay đổi trong nhịp tim.
Nguy cơ xảy ra các vấn đề về tim mạch đặc biệt cao với người xem trực tiếp trên sân và trong những thời điểm gay cấn như phút bù giờ hoặc hiệp phụ. "Người có nguy cơ mắc bệnh cao cần được cảnh báo về các triệu chứng tim mạch và hướng dẫn cách tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời", nhóm nghiên cứu đề xuất.
Một nghiên cứu trước đây cho thấy, số trường hợp đột quỵ và đau tim ở Hà Lan tăng mạnh vào ngày đội tuyển nước này bị loại khỏi giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1996.