Tại Việt Nam, khoảng 200 nhà máy trong nước ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho hãng thời trang Nike đã hoạt động trở lại.
Trong khi đó, các nhà máy do Samsung Electronics và Intel điều hành tại TP Hồ Chí Minh sẽ nhận được "hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty sẽ hoạt động trở lại trong tháng này."
Kể từ tháng 7, các nhà máy ở khu vực miền Nam Việt Nam đã phải hoạt động cầm chừng và trong tình trạng báo động. Để duy trì hoạt động sản xuất, các nhà máy phải tuân thủ quy định kiểm dịch, tổ chức cho công nhân làm việc và sinh hoạt tại chỗ.
Các nhà máy cũng được yêu cầu cho người lao động làm việc ở mức 30-50% công suất bình thường. Đối mặt với hàng loạt khó khăn do tình hình dịch bệnh, đã có không ít nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm sản lượng.
Sau khi làn sóng lây nhiễm giảm dần kể từ tháng 9, các công ty sản xuất linh kiện điện và điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô cũng đang trở lại mạnh mẽ.
Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản dự kiến sẽ hoạt động trở lại hết công suất tại các nhà máy ở Việt Nam. Ba nhà máy của công ty này sản xuất dây điện cho ô tô, riêng cơ sở tại TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 8.000 công nhân.
Chủ tịch của Furukawa Electric, ông Keiichi Kobayashi, cho biết hoạt động của các nhà máy đang dần trở lại bình thường và có thể đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng.
Tác động của dịch COVID-19 đã gây tổn hại đặc biệt đến ngành công nghiệp ô tô của Đông Nam Á. Việt Nam tập trung nhiều nhà máy sản xuất dây điện, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất chất bán dẫn cho ô tô.
Cả hai bộ phận đều bị thiếu hụt nguồn cung - lý do chính khiến Toyota Motor và 7 nhà sản xuất ô tô khác của Nhật Bản khác buộc phải cắt giảm một nửa sản lượng trong tháng 9 so với một năm trước đó.
Việt Nam là nguồn cung cấp khoảng 40% dây điện nhập khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái, các nhà cung cấp như Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang khôi phục sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam.
Tại Malaysia, hơn 90% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, mang lại luồng sinh khí mới cho nền kinh tế.
"Tại thành phố công nghiệp Ipoh, chúng tôi đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng do tình trạng đóng băng lao động nước ngoài và việc tuyển dụng người dân địa phương cực kỳ khó khăn, chúng tôi đang hoạt động với khoảng 80% công suất", theo ông John Chia, chủ tịch của Nhà máy lắp ráp và kiểm tra chất bán dẫn của Malaysia Unisem.
Mặc dù 99% công nhân nhà máy Unisem được tiêm phòng nhưng vẫn phải trải qua các đợt xét nghiệm hàng tuần. Với nhu cầu toàn cầu tăng cao, công ty hiện không thể đáp ứng kịp các đơn đặt hàng chất bán dẫn và đang xây dựng nhà máy thứ ba tại Thành Đô, Trung Quốc.
Một tác dụng phụ của đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á đó là các nhà sản xuất đang chuyển sang phân cấp sản xuất và giảm thiểu rủi ro.
Khi Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện một cuộc khảo sát vào cuối tháng 8, kết quả cho thấy khoảng 1/5 số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã chuyển một phần công suất sản xuất ra bên ngoài Việt Nam.
Mặc dù nhiều biện pháp chỉ là tạm thời, nhưng điều này cho thấy có không ít doanh nghiệp nước ngoài đang chuẩn bị sẵn các phương án phòng ngừa tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, mong muốn giải quyết các rủi ro trong sản xuất tại Việt Nam vẫn là ưu tiên của các công ty đa quốc gia.
“Việc di dời và đa dạng hóa các địa điểm sản xuất dẫn đến tăng chi phí, nhưng việc duy trì chuỗi cung ứng vẫn luôn được ưu tiên”, giám đốc điều hành một nhà sản xuất linh kiện máy móc của Nhật Bản tại Việt Nam chỉ ra.