Các cuộc tấn công trực tuyến và ngoại tuyến nhằm vào các nhà báo nữ đang ngày càng leo thang trên quy mô khắp toàn cầu. Những hành động tấn công này bao gồm từ lời nói quấy rối, thù địch, phân biệt giới tính đến tấn công thân thể, cưỡng hiếp và thậm chí giết người. Các mối đe dọa chống lại phụ nữ thường tập trung vào giới tính và đặc điểm thể chất của họ, đồng thời đi kèm với các hình thức phân biệt đối xử khác như phân biệt chủng tộc.
Những cuộc tấn công này có nguy cơ dẫn đến việc các nữ nhà báo sẽ tự kiểm điểm hành động để bảo vệ bản thân và gia đình, dẫn đến kết quả chung là làm nghèo đi toàn cảnh thông tin và tự do báo chí toàn cầu.
Ông Guilherme Canela, Trưởng ban Quyền tự do ngôn luận và An toàn của Nhà báo tại UNESCO cho biết: "Sự an toàn của các nhà báo nữ là mối quan tâm về quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi cần tiếng nói của họ được thể hiện to và rõ ràng. Người sử dụng lao động, các nền tảng [mạng xã hội, truyền thông...], chính phủ và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm đảm bảo họ có thể thực hiện công việc của mình một cách an toàn." '
Đáng khích lệ là các nghị quyết và báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho thấy xu hướng ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế trong việc nhận ra những rủi ro cụ thể mà các nhà báo nữ phải đối mặt và có động thái tìm kiếm giải pháp. Để đạt được mục tiêu này, UNESCO tiếp tục khởi động các dự án nghiên cứu, nâng cao năng lực và các chiến dịch thông tin.
Vào tháng 4/2021, UNESCO đã phát hành một tài liệu thảo luận tiên phong chỉ ra sự gia tăng bạo lực trực tuyến đối với các nhà báo nữ - 73% phụ nữ được khảo sát cho biết đã trải qua điều đó trong khi thực hiện nhiệm vụ và công tác báo chí. Tài liệu "The Chilling: Xu hướng toàn cầu về bạo lực trực tuyến đối với các nhà báo nữ" dựa trên một nghiên cứu liên ngành do Trung tâm Nhà báo Quốc tế (ICFJ) thực hiện cho UNESCO sẽ được công bố vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5/2022.
Theo đó, tài liệu chỉ ra, các cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào các nhà báo nữ có tác động thực tế đến năng suất và sức khỏe tinh thần của họ; chúng giao thoa với tình trạng thông tin sai lệch tràn lan và các hình thức phân biệt đối xử khác. Các tổ chức truyền thông và các nền tảng xã hội vẫn đang vật lộn để tìm ra những giải pháp hiệu quả.
Vào tháng 11/2021, UNESCO và tổ chức Thomson Reuters Foundation đã đưa ra hai bộ hướng dẫn thiết thực: "Chính sách an toàn nhạy cảm về giới cho các tòa soạn" và "Hướng dẫn thực hành cho nữ nhà báo về cách ứng phó với hành vi quấy rối trên mạng", cả hai đều do Tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế (IWMF) sản xuất. Các ấn phẩm này cung cấp các kỹ thuật và công cụ nhằm hạn chế quấy rối và thúc đẩy nhạy cảm về giới tại nơi làm việc. UNESCO, hợp tác với IWMF và Knight Center cũng đã tổ chức các khóa học trực tuyến (bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha) về cách đưa tin an toàn dành cho các nhà báo nữ và đồng minh của họ.