Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm, TPHCM cho hay, tại đây vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ vận chuyển heo không đảm bảo chất lượng vào thành phố tiêu thụ.
Theo đó, qua công tác kiểm tra, giám sát Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 9 thuộc Ban Quản lý an toàn Thực phẩm phát hiện trên chiếc xe tải mang biển kiểm soát 51D-24858 vận chuyển thịt heo đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con heo) có những dấu hiệu bất thường. Tất cả viền móng chân của heo đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, các móng chân bị bong tróc, không còn bám chặt vào bàn chân.
Hàng cục con heo đã được giết thịt, xẻ mảnh có các hạch sung to, xung huyết được vận chuyển từ Long An vào Sài Gòn. Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý trước khi bị đưa về các chợ, đến tay người tiêu dùng.
Trước đó, thông tin từ Trạm CSGT 5-1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện và bắt giữ chiếc xe khách chở hơn gần 130kg sản phẩm động vật không có giấy tờ đi tiêu thụ.
Thông lệ, trước, trong và sau tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa bao giờ cũng tăng mạnh; hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng tiêu dùng thiết yếu... qua biên giới càng mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi, tập trung chủ yếu ở các khu vực như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong đó, đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, động vật hoang dã thẩm lậu ngày càng nhiều.
Theo ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.
Ngoài việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành ATTP theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về ATTP. Về phía người dân, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Quan trọng hơn hết là phải làm thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Nếu họ vẫn coi trọng lợi nhuận hơn là sức khỏe của người tiêu dùng, của chính đồng loại thì cuộc chiến với thực phẩm bẩn sẽ còn rất gian nan.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Các đối tượng thanh tra, kiểm tra được xác định chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.