Nhưng chủ trang trại Jorge Barragan đã lại lựa chọn không làm như vậy, hiếm có ai tại vùng này quyết định "đình chiến" với báo đốm như ông. Người nông dân này có một niềm say mê với loài vật mạnh mẽ này và cho biết không ngại hy sinh một vài con gia súc để bảo tồn báo đốm.
Khoảng 10 năm trước, ông Barragan đã quyết định hy sinh một phần trang trại La Aurora của gia đình để cung cấp nơi sinh sống và thức ăn cho báo đốm bởi quan điểm "chúng đáng được sống hơn là phải chết".
Gia đình ông từ lâu đã cấm săn bắt động vật hoang dã trong khuôn viên trang trại để duy trì nguồn thức ăn cho loài động vật này.
Ở 61 tuổi, ông Barragan không hề sợ hãi mà thay vào đó là vô cùng hứng thú với việc tìm kiếm những cá thể báo mới. Ảnh: AFP |
Mỗi ngày, ông dành phần lớn thời gian để xem lại các cảnh quay trên các camera giấu kín rải rác khắp trang trại - nơi giờ đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên ở khu vực phía đông Casanare, Colombia.
Tuy nhiên, không phải lúc nào con người và báo đốm cũng chung sống hạnh phúc.
Đi ngược lại truyền thống
Những con báo đốm, có thể nặng đến 100 kg và dài khoảng 2 m thường xuyên xuất hiện tại khu nhà của ông Barragan. Mỗi năm, ông Barragan lại mất khoảng 100 con gia súc, thiệt hại rơi vào khoảng 300 USD/con.
Bù lại, ông nhận được một khoản phí thông qua các chuyến tham quan của các nhà khoa học cũng như các nhóm du khách muốn tận mắt quan sát những con báo đốm với vẻ ngoài mê hoặc.
Vào năm 2018, trang trại của ông Barragan đã thu hút được khoảng 160 lượt khách mỗi tháng, mỗi khách sẽ trả cho chủ trang trại 300 USD để được ở lại đây một đêm. Tuy nhiên, nguồn thu này đã cạn kiệt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Báo đốm được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách "có nguy cơ bị đe dọa". Số lượng loài này đang có dấu hiệu suy giảm, song song với đó sự phát triển ngành nông nghiệp, số lượng các trang trại càng khiến công tác bảo tồn trở nên khó khăn hơn.
"Xung đột với con người là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của loài báo đốm", tổ chức IUCN cho biết. "Có rất ít khu vực trong phạm vi sinh sống của loài báo đốm được coi là an toàn".
"Việc giết những con báo đốm để bảo vệ gia súc đã trở thành truyền thống tại đây. Nhưng chúng tôi đang làm điều ngược lại", ông Barragan chia sẻ.
Năm 2009, trong một lần nhìn thấy hình ảnh của một con báo đốm qua bẫy ảnh, ông Barragan đã bắt đầu yêu thích và tìm hiểu loài vật bản địa này.
"Chúng tôi biết loài báo sống tại đây, nhưng tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy bức ảnh đó", ông Barragan hồi tưởng.
Phạm vi sinh sống giảm một nửa
Như một thói quen, ông Barragan đều đặt tên cho từng con báo xuất hiện tại trang trại, mỗi con đều khoác trên mình "bộ áo" vô cùng độc đáo của riêng chúng.
“Ông ấy đã phát hiện được 54 cá thể báo đốm”, bà Samantha Rincon, thuộc tổ chức Panthera cho biết.
Theo tổ chức Panthera, khoảng 55 trang trại khác tại Colombia hiện đang thực hiện theo mô hình chung sống hoà bình với những con báo đốm mà họ từng coi là "kẻ thù".
Các biện pháp được thực hiện bao gồm chăn nuôi những con ngựa đực để bảo vệ phần còn lại của đàn trong trường hợp bị tấn công, ngăn chặn nạn phá rừng hay ngừng việc săn bắt báo đốm.
“Việc cướp đi môi trường sống và con mồi của loài báo đốm đã khiến chúng phải tìm kiếm và tấn công gia súc để sinh tồn”, bà Rincon chia sẻ.
Tổ chức Panthera thống kê được rằng riêng tại Colombia, số lượng báo đốm ở đây rơi vào khoảng 15.000 con và cả khu vực Châu Mỹ có khoảng 170.000 con.
Loài này từng sinh sống dọc từ miền Nam nước Mỹ đến miền Bắc Argentina, nhưng cho đến nay phạm vi sinh sống của chúng đã giảm đi một nửa.
Biến đổi khí hậu được xem là một trong số những nguyên nhân gây ra thực trạng này. Vào năm 2016, một đợt hạn hán khắc nghiệt kéo dài đã giết chết số lượng lớn loài chuột lang vùng Nam Mỹ - nguồn thức ăn chính của loài báo đốm.
Ông Barragan mong muốn những người nông dân khác cũng sẽ cam kết tham gia bảo vệ loài báo đốm.
“Phát hiện một con báo trong trang trại gia súc luôn khiến cho mọi người cảm thấy sợ hãi, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể cùng tồn tại với loài động vật này”, ông Barragan khẳng định.