Chị Hồng, con dâu NSND Trần Hạnh xác nhận với PV, NSND Trần Hạnh trút hơi thở cuối cùng vào 2h50 sáng 4/3 tại nhà riêng bên gia đình. Vài năm gần đây, NSND Trần Hạnh ít tham gia phim ảnh dù được rất nhiều đạo diễn mời, nhưng sức khoẻ không cho phép.
NSND Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cha ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà thờ nhưng đã qua đời từ sớm. Mẹ ông là một thương gia nhỏ.
Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, NSND Trần Hạnh phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ này có nhiều người, sau đó đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng kịch Việt Nam như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng…
Trong suốt sự nghiệp diễn suất của mình, NSND Trần Hạnh được khán giả biết đến các vai diễn ấn tượng ở cả lĩnh vực sân khấu và truyền hình. Với sân khấu, ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Trong đó có thể kể đến vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa (HCV Liên hoan Kịch toàn quốc). Hay những vai diễn trong vở Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989.
Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình. Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 – 1996, ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim Nước mắt đàn bà. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng, đạo diễn Quốc Trọng. Phim truyền hình gần nhất nghệ sĩ tham gia là Bão qua làng (2014) của đạo diễn Quốc Trọng. Sau đó, ông đóng một số tiểu phẩm hài và nhận một vai nhỏ trong phim điện ảnh Cha cõng con (2017) của đạo diễn Lương Đình Dũng. Ngoài ra, NSND Trần Hạnh còn nổi tiếng với các vai ông Bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em,... Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.
NSND Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào ngày ngày 25/1/1994. Tháng 5/2018, ông được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân tuy mới đoạt một giải Cống hiến (tương đương giải Vàng) tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2010 và không đủ số huy chương theo quy định. Tuy nhiên, NSND Trần Hạnh đã được đặc cách đưa vào danh sách xét trao danh hiệu NSND vì hóa thân vào nhiều vai diễn “có sức lan tỏa, đồng thời có hình ảnh đúng mực trong cuộc sống”. Theo Nghị quyết 54/NQ-CP ký ngày 18 tháng 7 năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu NSND.