Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Vườn bách thảo Quốc tế (BGCI), hiện có 17.510 loài cây đang bị đe dọa, gấp đôi số loài động vật có vú, chim, lưỡng cư và bò sát bị đe dọa cộng lại.
Số lượng loài đang bị đe dọa chiếm 29,9% trong số 58.497 loài cây được biết đến trên thế giới.
Thực trạng cây tự nhiên có nguy cơ bị tuyệt chủng đang diễn ra đồng thời trên toàn cầu. Madagascar có nhiều loài cây bị đe dọa nhất (1.842 loài), Brazil đứng ở vị trí thứ hai với 1.788 loài, trong số đó có gỗ gụ lá lớn, gỗ trắc,...Tại Trung Quốc, quốc gia đa dạng sinh học thứ sáu trên thế giới, những loài như mộc lan, hoa trà và cây phong nằm trong số 890 loài có nguy cơ bị đe dọa.
Tại các nước châu Âu, nơi tương đối kém về tính đa dạng tự nhiên, đã có sự suy giảm đáng báo động về số lượng cây thanh lương trà. Ở Bắc Mỹ, sâu bệnh đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho quần thể cây tần bì.
Các nhà thực vật học mô tả cây cối là “xương sống của hệ sinh thái tự nhiên”. Mặc dù chỉ có 0,2% số loài đã tuyệt chủng cho đến nay, các tác giả báo cáo cho biết sự suy giảm ngày càng nhanh có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ở nhiều nơi trên thế giới, cây cối là trụ cột của một hệ sinh thái lành mạnh. Không có chúng, các loài thực vật, côn trùng, chim và động vật có vú khác sẽ khó tồn tại.
Báo cáo xác định các mối đe dọa chính đối với cây cối bao gồm hoạt động nông nghiệp (cây trồng 29% và chăn nuôi 14%), khai thác gỗ (27%), nhà ở và phát triển thương mại (13%), cháy rừng (13%), khai thác mỏ (9%), đồn điền bột giấy (6%) và các loài xâm lấn (3%).
Tổ chức BGCI đã khuyến nghị mở rộng phạm vi khu bảo tồn cho các loài bị đe dọa, các chiến dịch trồng cây tập trung vào các quần thể có nguy cơ cao nhất, hợp tác toàn cầu chặt chẽ hơn, tài trợ nhiều hơn cho các nỗ lực bảo tồn và nỗ lực nhiều hơn để hỗ trợ các loài trong vườn thực vật và ngân hàng hạt giống.