Dự án “đắp chiếu” vì tư tưởng “tiện đâu làm đó”
Trao đổi với Ngày Nay, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Lê Chí Thái bày tỏ rõ sự trăn trở bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường do nuôi bò sữa tự phát ở Vĩnh Thịnh đã được cảnh báo từ khá lâu song chưa giải quyết được.
Ông Thái cho biết, người nông dân Vĩnh Thịnh chăn nuôi, sản xuất tiểu nông, tư duy vẫn còn lạc hậu, tiện đâu thì làm đấy, ngoài ruộng kia có thì tiến hành trồng cỏ voi, trong nhà có ít đất thì quay ra làm chuồng, thế rồi nuôi bò sữa ngay tại nhà tiện cho việc theo dõi chăm sóc. Cách thức nuôi bò của người nông dân Vĩnh Thịnh hiện tại không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, chất lượng sữa không cao và không ổn định song họ lại không muốn ra khu chuồng trại tập trung.
Năm 2007, huyện Vĩnh Tường đã xác định đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa chăn nuôi tập trung vừa phát triển du lịch như mô hình Mộc Châu, Sơn La. Tuy nhiên các hộ nuôi bò không đồng tình, ủng hộ. Theo ông Thái, nguyên nhân là do việc người dân đã quen tiện đâu làm đó nên không muốn vào khu tập trung, không tiện lợi cho chăm sóc, vắt sữa, cho ăn.
Điều lạ lùng ở chỗ, đề án đã có từ năm 2007 nhưng khi “vấp” phải sự phản đối của người nuôi bò, xã Vĩnh Thịnh cũng như huyện Vĩnh Tường dường như không có động thái để tháo gỡ quyết liệt. “Chúng tôi đã từng đưa người dân lên lên Mộc Châu, Sơn La để thăm mô hình song người nuôi bò vẫn có tư tưởng tiện đâu làm đấy”, ông Thái nhấn mạnh.
Vậy là, cả một đề án hàng trăm tỷ đồng “đắp chiếu” 10 năm nay, chịu thua tư tưởng “tiện đâu làm đó” của hơn ngàn hộ dân?
Bò sữa được nuôi ngay trong khu vực nhà dân, phía trên là nơi phơi phóng chăn màn, quần áo. |
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, làm gì để không là khẩu hiệu?
Dự án đưa đàn bò sữa ra ngoài khu dân cư “dậm chân tại chỗ” còn đàn bò thì ngày một tăng lên, ô nhiễm ngày một trầm trọng.
Năm 2016, UBND huyện Vĩnh Tường quyết tâm khởi động lại đề án. Đến tháng 3/2017, báo cáo phương án quy hoạch thí điểm tổ chức sản xuất, đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường được Viện Quy hoạch Xây dựng Vĩnh Phúc khảo sát, lập ra khá bài bản. Theo đó, giai đoạn từ 2017-2020, khu chăn nuôi bò sữa tập trung sẽ được phát triển trên diện tích khoảng 6ha thuộc đất nông nghiệp của xã Vĩnh Thịnh. Giai đoạn 2 từ sau 2020 sẽ phát triển thêm 50% nữa, thêm khoảng 6ha để nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của bà con Vĩnh Thịnh cũng như trong khu vực.
Phân tươi và nước rửa chuồng bò mỗi ngày chạy thẳng ra đường làng |
Khu chăn nuôi tập trung không chỉ có chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường mà đặc biệt có khu xử lý chất thải tập trung, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là giải pháp được xem là phù hợp nhất nhằm hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế của người dân và yêu cầu đảm bảo môi trường sống trong lành, không ô nhiễm cho cả vùng.
Bản thân các đơn vị đang thu mua sữa của người nuôi bò tại Vĩnh Thịnh cũng mong muốn người nông dân vào khu chăn nuôi tập trung và sẵn sàng ủng hộ về công nghệ quản lý cũng như gắn kết các công đoạn từ trồng cỏ, thu mua vận chuyển, sơ chế thức ăn tới tiêu thụ sản phẩm..đạt hiệu quả. Bởi thực tế, bò được nuôi trong khu dân cư ô nhiễm môi trường nặng nề đã đành, còn trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng của sữa.
UBND huyện Vĩnh Tường đã tiến hành họp với toàn bộ các thôn của xã Vĩnh Thịnh cũng như chính quyền địa phương song tiếp tục có một số lớn hộ nuôi bò vẫn không muốn ra khu tập trung. Những hộ này cho rằng họ đã đầu tư vào chuồng trại cũ và đang chăn nuôi ổn định, nếu ra khu tập trung lại phải đầu tư vào chuồng trại mới với suất đầu tư khoảng 50-100 triệu đồng/ cho 7-10 con bò.
Trước sự bất đồng của người nuôi bò, ông Lê Chí Thái cho hay hiện vẫn đang đợi tỉnh phê duyệt và “tiếp tục vận động tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với nội dung này. Chúng tôi quan niệm sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Môi trường ô nhiễm, chất lượng sữa ra sao?
Rời UBND huyện Vĩnh Tường cùng “quan điểm” và “quyết tâm” của lãnh đạo huyện chúng tôi vòng về thôn Khách Nhi ngược, nơi được cho là đang nuôi bò sữa nhiều nhất xã Vĩnh Thịnh.
Những chiếc cống lưu cữu phân bò... |
...và trạm thu mua sữa của một hãng sữa nổi tiếng được đặt tại Vĩnh Thịnh để thu gom sữa từ các hộ dân. |
Sau trận mưa lớn, con đường làng sực nức mùi phân bò vừa hôi thối vừa bẩn. Chúng tôi phải đeo khẩu trang 3 lớp mới có thể đi được trên đường làng mà không nghẹt thở. Ngang qua trạm thu mua sữa của một hãng sữa nổi tiếng được đặt tại Vĩnh Thịnh để thu gom sữa từ các hộ dân, chúng tôi có thể thấy trạm thu mua này khá thô sơ và nóng nực. Cộng với không khí đặc quánh mùi phân bò và các cống rãnh đen kịt, câu hỏi ám ảnh chúng tôi là: Nguồn sữa được các công ty sữa thu mua từ các trại bò nuôi tự phát trong khu dân cư liệu có sạch và đảm bảo chất lượng?
Thống kê sơ bộ của Trạm y tế xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), năm 2014 toàn xã có 8 người chết vì bệnh ung thư, tới năm 2016 số người mắc bệnh ung thư lên tới 63 người và 6 tháng đầu năm 2017 phát hiện thêm 31 người mắc bệnh này. Ô nhiễm môi trường tại xã Vĩnh Thịnh do phân bò và nước thải từ chuồng trại nuôi bò trong khu dân cư đã đến hồi báo động.