Ào ạt huy động vốn, cổ đông không được nhận lợi nhuận
Được thành lập từ năm 2011 với cái tên CTCP Thủ phủ Tre (vốn điều lệ 43 tỷ đồng), Bamboo Capital khởi đầu chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A, huy động vốn… Sang năm 2012, CTCP Thủ Phủ Tre bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp và thương mại.
Trong thời gian qua, Bamboo Capital huy động vốn rất nhanh từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu để rót vào những lĩnh vực kinh doanh ngốn tiền của mình. Doanh thu, lợi nhuận cũng theo đó tăng mạnh, tuy nhiên, lợi nhuận không dành cho cổ đông của công ty mẹ.
Báo cáo tài chính cho thấy, trong quý 4/2021, công ty đạt 685 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3,2 lần cùng kỳ với nguyên nhân chính là nhờ doanh thu từ hợp đồng xây lắp tăng đột biến từ 13 tỷ đồng lên gần 409 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng tăng 24% lên gần 275 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.
Kết quả này giúp lợi nhuận sau thuế của Bamboo Capital tăng lên 271 tỷ. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận là 176,6 tỷ đồng.
Thế nhưng lãi ròng cho cổ đông (lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ) lại giảm tới 41%, chỉ còn gần 98 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lợi nhuận sau thuế cho cổ đông không kiểm soát tăng mạnh, gấp 15,3 lần cùng kỳ, lên gần 174 tỷ đồng. Số liệu này cho thấy, Bamboo Capital không nắm tỷ lệ chi phối hoàn toàn tại những công ty con đang mang lại lợi nhuận cao, chỉ khoảng 50-60%.
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận ròng của Bamboo Capital đạt hơn 606 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2020 chủ yếu nhờ doanh thu thuần tăng 40% và lợi nhuận từ hoạt động tài chính gấp 2,4 lần.
Với kế hoạch doanh thu 5.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 806 tỷ đồng của năm 2021, Bamboo Capital chỉ thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên cạnh đó, do đầu tư quá nhanh và nhiều, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital vẫn tiếp tục âm nặng 9.315 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức âm hơn 2.200 tỷ đồng của năm 2020. Thời điểm cuối năm 2021, nợ vay là 13.171 tỷ đồng trong đó nợ dài hạn tăng đến gần 10.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn chỉ giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Bamboo Capital phát triển quá nhanh
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BCG đã lên tới 37.812 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm. Trước sự lớn mạnh quá nhanh này, giới kinh doanh đặt câu hỏi về việc động lực nào đã khiến Bamboo Capital nhảy vọt như vậy?
Hiện nay, Bamboo Capital hoạt động đa ngành trong một loạt các lĩnh vực như: Sản xuất & Nông nghiệp, Phát triển hạ tầng & Bất động sản, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo.
Trong lĩnh vực tài chính, Bamboo Capital thành lập BCG Financial, đầu tư vào CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC), mua lại CTCP Bảo hiểm AAA. Và mới đây nhất, ông Nguyễn Thanh Hùng - lãnh đạo cấp cao của Bamboo Capital đã xuất hiện trong HĐQT của một ngân hàng đang đầy biến động là Eximbank.
Bamboo Capital đang đầu tư nhiều dự án quy mô lớn như: dự án Hội An D’or Quảng Nam, dự án Malibu Hội An, dự án căn hộ cao cấp thương mại dịch vụ King Crown Infinity.
Hiện nay, Bamboo Capital đã đầu tư vào các dự án nghìn tỷ như dự án điện mặt trời tại Phù Mỹ, Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, dự án nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1 với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng.
Về ông chủ Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam, đây là nhân vật rất có tiếng tăm trong giới tài chính từ nhiều năm trước. Ông Nam từng đầu quân cho Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS).
Giai đoạn 2006-2009, Sacombank thuộc top ngân hàng thương mại cổ phần top đầu về quy mô lẫn vị thế, gắn liền với tên của cựu Chủ tịch Đặng Văn Thành. Tháng 1/2010, SBS chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, ông Đặng Văn Thành chuyển giao vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cho ông Nguyễn Hồ Nam.
Đến giai đoạn sau đó, tình hình kinh doanh của SBS khá tệ hại, SBS thua lỗ, ngân hàng mẹ Sacombank biến động dữ dội, ông Đặng Văn Thành dời ghế chủ tịch vào tháng 5/2012. Ngay sau thời điểm này, ông Nam cũng từ nhiệm, bán cổ phiếu và rút khỏi SBS.
Cho đến hiện tại, Bamboo Capital và TTC Group – Tập đoàn của gia đình đại gia Đặng Văn Thành đang hoạt động trong những lĩnh vực tương đồng: Nông nghiệp, Bất động sản, Thương mại và Năng lượng tái tạo.