Phải chăng, người Trung Quốc chỉ thừa kế gien Khổng Tử (phải) mà không thừa kế gien Tào Tháo (trái). |
Trong nỗ lực nhằm gạt bỏ những lo ngại về những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Anh gần đây nói: “Chúng tôi không chấp nhận logic nước mạnh là nước bá chủ”. Ông Lý nhắc lại lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Trong máu của người Trung Quốc không có gien xâm lược hay bá quyền”. Bắc Kinh cũng nói rằng, suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ là kẻ bành trướng.
Nói đến yếu tố di truyền giúp khẳng định của lãnh đạo Trung Quốc nghe có vẻ khoa học, đặc biệt khi nước này tỏ ra đang phát triển nhanh trong lĩnh vực nghiên cứu gien của các nhân vật lịch sử, như Tào Tháo, Khổng Tử… Tuy nhiên, học giả Frank Ching cho rằng, chỉ cần lướt qua bản đồ lịch sử cũng dễ dàng thấy biên giới của Trung Quốc thay đổi rất lớn từ thời hoàng đế đầu tiên là Tần Thủy Hoàng đến nay.
Mọi người chắc chắn băn khoăn làm thế nào Trung Quốc lại lớn đến như thế mà không phải nhờ bành trướng. Một cách lý giải là Trung Quốc rộng ra vì bị chinh phục, đặc biệt là bởi người Mông Cổ và Mãn Châu - sau này bị người Hán đồng hóa.
Theo cách giải thích này, người Hán, chiếm hơn 90% dân số Trung Quốc ngày nay, thừa kế một đế chế được mở rộng sau khi các triều đại ngoại bang sụp đổ. Tuy nhiên, điều này ngược lại với cách giải thích chính thống của Trung Quốc, rằng người Mông Cổ, Mãn Châu và người Hán luôn là người Trung Quốc. Vì thế, tất cả đều mang gien Trung Quốc.
Từ quan điểm lịch sử, có rất ít bằng chứng củng cố cho lập luận rằng, không có gien xâm lược hay bành trướng trong máu của người Trung Quốc, trừ khi các nghiên cứu sau này khẳng định người Trung Quốc ngày nay chỉ thừa kế gien của những nhà tư tưởng yêu chuộng hòa bình như Khổng Tử, còn Tào Tháo và các nhà quân sự khác đã biến mất, học giả Frank Ching viết.