Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 46 bị can trong vụ Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các hành vi này xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Phạm Công Danh chủ động tìm đến BIDV
Theo cơ quan điều tra, muốn thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB) đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhưng không có tiền để tăng vốn điều lệ nên tháng 9/2013, Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh đã chủ động tìm đến BIDV tại Hà Nội để gặp lãnh đạo ở Hội sở chính.
Tại đây, Phạm Công Danh đặt vấn đề về việc VNCB có các khách hàng doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Do đang trong quá trình tái cơ cấu, chưa được tăng trưởng tín dụng nên giới thiệu sang BIDV để xem xét cho vay theo đề án gói 4 nhà.
Trường hợp khách hàng không đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ bằng cách dùng tài sản của mình để cầm cố, thể chấp nhằm đảm bảo các khoản vay theo quy định của BIDV. Tuy nhiên, Phạm Công Danh không cho BIDV biết sẽ sử dụng vốn vay của ngân hàng này vào mục đích tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng.
Sau khi được lãnh đạo Hội sở BIDV đồng ý, ông Danh về chỉ đạo lập hồ sơ khống vay vốn, gồm: lựa chọn công ty đứng tên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào trong số các công ty cho ông Danh sáng lập. Ông Danh cũng chỉ đạo lập hồ sơ tài chính năm 2012 của các công ty vay vốn và tiến hành lập khống phương án vay vốn...
Từ ngày 29/10 đến 28/11/2013, các chi nhánh của BIDV là Bến Thành, Gia Định, Sở Giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã giải ngân cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng (làm tròn).
Sau khi giải ngân xong, các khách hàng không cung cấp các hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc giao nhận vật liệu xây dựng tại các công trình và không phối hợp để các ngân hàng thực hiện việc kiểm tra việc sử dụng vốn sau giải ngân.
Vì vậy, 4 chi nhánh của BIDV đã yêu cầu các khách hàng trả nợ trước hạn. Đến ngày 5/5/2014, các chi nhánh đã thu đủ gốc và lãi, trong đó gốc 4.699.999.000.000 đồng, lãi trên 226 tỷ và lãi phạt trên 1,5 tỷ đồng.
BIDV cho VNCB vay tiền khi chưa đủ cơ sở
Kết quả giám định cho thấy việc VNCB bảo lãnh cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.
Ngoài ra, đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của BIDV xác định BIDV xem xét việc cho vay khi chưa đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa thực hiện đầy đủ về điều kiện cho vay đối với khách hàng...
Từ những sai phạm của nhóm lãnh đạo VNCB, nhóm giám đốc các doanh nghiệp, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 3 cá nhân là cán bộ của BIDV chi nhánh Gia Định đã gây thiệt hại cho VNCB là Nguyễn Ngọc Sơn, Hoàng Long Hà, Nguyễn Vũ Bảo.
Ngoài những cá nhân trên, cơ quan điều tra cho rằng cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Phân ban quản lý rủi ro BIDV khi họ đánh dấu đồng ý vào chủ trương cho 12 công ty vay vốn với số tiền tối đa 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh thực hiện việc cho vay.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà và các thành viên của Phân ban quản lý rủi ro BIDV không cho Phạm Công Danh vay, cũng không biết các công ty này do Phạm Công Danh thành lập.
Hiện, chưa có tài liệu, chứng cứ, lời khai về việc các cá nhân trên được hưởng lợi. Kết quả điều tra cũng không đủ căn cứ xác định hành vi của những cá nhân này đồng phạm với Phạm Công Danh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, cơ quan điều tra xác định không đủ căn cứ để xử lý hình sự ông Trần Bắc Hà và các thành viên Phân ban quản lý rủi ro tín dụng đầu tư BIDV.
Theo Zing