Lo lắng nêu trên được nguyên Bộ trưởng Thương mại - Trương Đình Tuyển nêu tại tọa đàm công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2016, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 11/10.
So sánh với cùng kỳ 2015, báo cáo dẫn số liệu cho thấy lạm phát quý III đạt 3,34%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 1,85%. “Số liệu cả năm hoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra”, VEPR nêu.
Bình luận về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng, nếu vượt trần 5% thì sẽ ảnh hưởng xấu tới niềm tin thị trường, người dân. Ông Tuyển phân tích tuy xu hướng giá vốn tăng lên là quy luật chung, nhưng riêng năm nay, yếu tố giá dầu tăng trong quý IV là khá rõ. Nếu kiểm soát giá cả không chặt và vẫn tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, học phí... trong quý IV thì lạm phát có thể bùng lên và rơi vào quy luật “lan tỏa sóng”. Đây là yếu tố cần theo dõi để có điều chỉnh kịp thời.
“Phải tiếp tục thận trọng hơn với chính sách tiền tệ. Tôi e ngại việc mở rộng tín dụng quá mức trong quý IV sẽ không vào sản xuất mà chạy vào lạm phát. Cộng hưởng với các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí… sẽ khiến lạm phát vượt trần 5%”, ông Tuyển lo lắng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR cũng cho rằng việc tín dụng dồn toa vào 3 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng 18-20% sẽ ảnh hưởng tới lạm phát. “Tiền đưa ra quá nhiều một lúc có thể sẽ không chảy vào sản xuất, mà lại vào các khu vực khác, làm tăng giá cả đẩy lạm phát lên", ông nói.
“Giá dầu thô và một số mặt hàng năng lượng khác được dự báo có thể tăng trong những tháng cuối năm sau khi OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đồng thời, dù suy giảm trong quý III, giá hàng hóa cơ bản thế giới vẫn là một ẩn số trong thời gian tới. Điều này nếu xảy ra, sẽ tạo áp lực không nhỏ lên mặt bằng giá trong nước thời gian tới”, ông Thành bình luận.
Về tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,4% trong quý III (9 tháng là 5,93%), thấp hơn cùng kỳ, báo cáo của VEPR nhận xét nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp là nông nghiệp suy giảm, kết hợp với khó khăn trong ngành công nghiệp khai khoáng. Khu vực nông nghiệp vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01% vào tăng trưởng GDP.
Chiếm tới 28,4% trong cơ cấu GDP của khu vực công nghiệp, việc suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế. Cộng dồn tới hết tháng 9, ngành khai khoáng ước giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng.
Nói về mức suy giảm nêu trên, vốn vẫn được coi là động lực phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, ông Trương Đình Tuyển cho rằng đã tới lúc phải thay đổi quan điểm. “Tài nguyên khoáng sản khai thác mãi cũng hết. Chúng ta cũng không thể cứ dựa mãi vào khai thác khoáng sản thô mà phải phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Để bù đắp tỷ trọng công nghiệp khai khoáng trong công nghiệp nói riêng và GDP tới đây sẽ giảm xuống, Việt Nam phải tạo ra ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm sản xuất theo chuỗi”, ông chia sẻ.
Dù khó khăn, Chính phủ vẫn phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,3–6,5%. Còn để đạt được mục tiêu GDP 6,7% mà Quốc hội giao, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3%. Mức này được ông Tuyển đánh giá là cực khó trong bối cảnh hiện tại.
“Sau hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh miền Trung, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vừa qua… dự báo GDP 2016 chỉ quanh mức 6-6,2% là cố gắng rồi”, ông Tuyển đưa ra dự báo. Trong khi đó, VEPR đưa ra mức kém lạc quan hơn, khi cho rằng GDP năm 2016 sẽ chỉ đạt 6%.