1. Cơn địa chấn "4.0"
"Thật điên rồ" - Bong Joon-ho thốt lên khi nhận tượng vàng thứ 4 và cũng là giải Oscar quan trọng nhất: Phim xuất sắc nhất.
Trước đó, Parasite - bộ phim về cuộc chiến khốc liệt giữa kẻ giàu người nghèo trong xã hội Hàn Quốc của ông đã giành liên tiếp 3 giải quan trọng cho Phim nước ngoài; Kịch bản gốc và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Ký sinh trùng sẽ làm nên chuyện, đó là một dự cảm khả thi. Bởi trong suốt nửa cuối năm 2019, bộ phim này đã làm mưa làm gió khắp thế giới, đạt 145 triệu đô la doanh thu phòng vé toàn cầu và giành luôn giải Cành cọ vàng cao quý của LHP Cannes. Tuy nhiên, 4 giải Oscar vẫn thực sự là một kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Thế giới ngả mũ trước Parasite của Bong Joon-ho. Còn cả Châu Á thì phấn khích tự hào.
Sau khi khen ngợi Parasite giành giải Phim xuất sắc nhất là một sự kiện lịch sử, tờ Times đặt câu hỏi, Phải chăng đây là sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới?
"Lịch sử của Oscar" - đó cũng là từ mà CNBC chọn để nói về chiến thắng "4.0" của Parasite. |
Parasite - bộ phim của Hàn Quốc đã khiến cả thế giới há hốc mồm. Hãng thông tấn Aljazeera dí dỏm. |
Cây bút chuyên bình phim Phil Hoad của The Guardian cho rằng chiến thắng của Parasite mở ra một kỷ nguyên mới tại Oscar khi phá vỡ định kiến phim nói tiếng nước ngoài không thể thắng giải Phim xuất sắc. |
Thành công vang dội của Parasite quả là niềm tự hào không riêng của Hàn Quốc mà của cả Châu Á. Nhưng 18 năm trước, có một người Châu Á khác đã đặt bước tiến quan trọng cho điện ảnh khu vực cũng với một cơn địa chấn 4.0.
2. Từ ngọa hổ Trung Hoa đến khu ổ chuột Ấn Độ
Năm 2002, Lý An - đạo diễn Đài Loan (Trung Quốc) cũng 4 lần lên bục nhận tượng vàng Oscar cho một bộ phim võ hiệp. Ngọa hổ tàng long lúc đó trở thành một hiện tượng trong làng điện ảnh thế giới với 4 giải Oscar trong số 10 đề cử (bao gồm Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất) và số doanh thu khổng lồ 213 triệu USD.
Lúc đó, giới điện ảnh cũng dành những mỹ từ như là "kỷ nguyên điện ảnh Châu Á" hay "sự trỗi dậy của con rồng Trung Hoa"...
Sự thực chỉ đúng một nửa.
Lý An vẫn làm phim, và phim vẫn rất hay.
2006 - ông giành Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Brokeback Mountain.
2013 - ông lại một lần nữa giành Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Cuộc đời của Pi.
Đạo diễn Lý An |
3 lần giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất, đó là kỳ tích vô tiền khoáng hậu. Nhưng đó hoàn toàn là thành công mang tính cá nhân. Ông không đồng nhất mình với nền điện ảnh Trung Quốc. Và mặc dù rất được chào đón tại quê nhà, Lý An chỉ dành những cuộc gặp hiếm hoi cho những nhà làm phim trẻ - những người mà ông tin sẽ tư duy về điện ảnh theo cách khác đi.
Dưới đây là đoạn trích 1 bài nói chuyện nổi tiếng của đạo diễn Lý An tại Trung Quốc:
"...Tôi thấy dường như các nhà làm phim Trung Quốc luôn cố gắng đuổi kịp điện ảnh Mỹ về con số. Điều này sẽ làm giảm đặc trưng của điện ảnh Trung Quốc. Chúng ta có bề dày lịch sử và nền văn hóa lớn cơ mà.
Tôi trưởng thành ở Đài Loan (Trung Quốc) và tôi đã thấy nhiều vết nứt giữa nền văn hóa của Đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Macao. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm khắc phục những vết nứt ấy trong nền văn hóa Trung Quốc.
Chúng ta, những người Trung Quốc phải có cách khác để biểu cảm, thể hiện cảm xúc và logic chưa được phổ cập như là một ngôn ngữ toàn cầu. Khi làm việc, đừng mang ý nghĩ là ta sẽ thống lĩnh thị trường hải ngoại mà nên nghĩ mình có thể mang gì ra thế giới.
Điều quan trọng nhất của một con người là phải trung thành với trái tim của chính mình. Cho dù thị trường có mở rộng như thế nào thì phim vẫn phải có gì đó gần gũi với trái tim con người..."
6 năm sau khi những kiếm khách bay trên ngọn tre khiến thế giới phải nhớ đến Châu Á, mùa Oscar thứ 81 năm 2009, đến lượt một góc khuất của Ấn Độ lên ngôi: Khu ổ chuột.
Bộ phim Triệu phú khu ổ chuột. |
Chưa bao giờ đến Ấn Độ cho đến khi bắt tay vào làm phim "Triệu phú khu ổ chuột", nhưng đạo diễn Danny Boyle đã tạo ra một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời từ tác phẩm văn học cực hay của nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup.
Nếu bạn phấn khích với "chiến thắng 4 sao" của phim Parasite năm nay, thì đừng quên rằng cách đây 11 năm, "Triệu phú khu ổ chuột" đã giành tới 8 giải Oscar trên tổng số 10 đề cử. Trong đó cũng gồm những giải quan trọng nhất như Phim xuất sắc: Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Biên kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Văn hóa Phương Đông, sự chia cách tầng lớp và điều kiện, những rào cản nam nữ, những hủ tục và khát khao phá vỡ những khoảng cách, chúng ta gặp ở "Triệu phú khu ổ chuột", và một lần nữa gặp lại ở "Ký sinh trùng".
Mặc dù có nhiều điểm chung, sự thành công cách nhau 1 thập kỷ giữa 2 bộ phim về đề tài Châu Á không phải một vòng lặp. Trái lại, nó là sự bảo chứng cho niềm tin vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên trỗi dậy của điện ảnh Á Châu.
3. Hàn lưu và Hán lưu
Hàn lưu (hallyu) là cách gọi làn sóng văn hóa Hàn quốc, đã phủ khắp Châu Á trong 2 thập kỷ qua, với hai mũi nhọn là Âm nhạc và Điện ảnh. Thuật ngữ hallyu xuất phát từ báo chí Trung Quốc.
Hàn lưu (hallyu) - làn sóng văn hóa Hàn quốc đã phủ khắp Châu Á trong 2 thập kỷ qua. |
Tương tự, Trung Hoa cũng cố gắng thúc đẩy sự ảnh hưởng về văn hóa của mình tới toàn thế giới.
Tờ New York Times thống kê, trong top 100 bộ phim có doanh thu cao nhất trên thế giới từ năm 1997 đến 2013, Trung Quốc mới hỗ trợ tài chính cho 12 phim Hollywood. Nhưng chỉ trong 5 năm sau đó, Trung Quốc đã đồng tài trợ tài chính cho 41 phim Hollywood có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, người Trung Quốc - hay nói đúng hơn là các đại gia Trung Quốc - có thể thao túng, thậm chí mua đứt được một nền điện ảnh. Nhưng chỉ có tiền thì không chắc sẽ tạo ra được một nền điện ảnh có chiều sâu đẳng cấp.
Nguyên nhân thành công của điện ảnh nội địa Hàn Quốc phải kể đến chất lượng và sự sáng tạo vượt trội của kịch bản.
Hầu hết các bộ phim thành công nhất của nước này đều có kịch bản hấp dẫn, giàu sức lay động hoặc đánh vào lòng tự hào dân tộc.
Điện ảnh Hàn cũng không ngần ngại phô bày các yếu tố như bạo lực, tội phạm, tình dục trên màn ảnh.
Các đề tài hiện thực dễ đụng chạm mổ xẻ các vấn đề nóng bỏng của xã hội như tham nhũng, hối lộ, sự cấu kết giữa các phe nhóm lợi ích để thao túng kinh tế, sự cấu kết giữa truyền thông và chính trị gia để lừa mị dân chúng... đều được đưa lên phim.
Đến nay, điện ảnh Hàn có khoảng 20 bộ phim thu hút trên 10 triệu lượt khán giả và hơn 100 bộ phim thu hút từ 4 triệu lượt khán giả trở lên (hai bộ phim ăn khách nhất tại thị trường nội địa Việt Nam là "Cua lại vợ bầu", "Hai Phượng" mới chỉ trên 2 triệu lượt người xem, trong khi dân số Hàn Quốc khoảng 52 triệu, còn Việt Nam khoảng 96 triệu).
Thành công của Parasite sẽ như một đòn bẩy cho điện ảnh Hàn Quốc. |
Thành công này của Parasite và Bong Joon-ho sẽ được nhìn như một đòn bẩy cho điện ảnh Hàn Quốc. Nhưng không, đó thực ra là một bữa tiệc mừng cho thành công chắc chắn phải đến.
Và giải Oscar của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử trao cho một bộ phim nước ngoài ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, là tuyên ngôn mạnh mẽ. Rằng những rào chắn của thế giới đã trở nên hết sức mỏng manh trước nhu cầu hội nhập của nhân loại.
Những cái "nhất" của Parasite
- Phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt Cành cọ vàng - giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes
- Phim Hàn Quốc đầu tiên được đề cử Oscar
- Phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho Phim quốc tế hay nhất
- Phim không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho Phim hay nhất
- Đạo diễn Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng
- Đạo diễn Hàn Quốc đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất
- Phim không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt giải của Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh Mỹ (SAG) cho dàn diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất