Lợi nhuận sau thuế giảm 60%
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2023 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh đi lùi, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” tới 60%.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của PGBank chỉ đạt 45,3 tỷ đồng, giảm 67,7 tỷ đồng, tương đương 60% so với quý III/2022; lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 22 tỷ đồng, tương đương 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lãi ròng của PGBank giảm rất sâu dù thu nhập từ lãi vẫn được cải thiện.
Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý III/2023 của nhà băng này đạt 813 tỷ đồng, tăng 108 tỷ đồng, tương đương 15,3%; lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 640 tỷ đồng, tương đương 32,6% lên 2.605 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự lệch pha này chính là chi phí lãi có tốc độ tăng mạnh hơn thu nhập lãi.
Trong kỳ, chi phí lãi và các chi phí tương tự của PGBank đạt 534 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng, tương đương 43,5%. Như vậy tốc độ tăng của chi phí đã cao gấp 2,8 lần của thu nhập. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ tiêu này tăng 557 tỷ đồng, tương đương 51,1%.
Chi phí lãi tăng mạnh khi PGBank duy trì chính sách lãi suất huy động cao, lên đến 7,6%/năm trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất huy động, để từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Kết quả là thu nhập lãi thuần quý 3/2023 giảm 54 tỷ đồng, tương đương 16,3%. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối cũng giảm rất sâu nhưng Chi phí hoạt động lại tăng nhẹ từ 174 tỷ đồng lên 188 tỷ đồng.
Cùng với lợi nhuận giảm sâu, tài sản của PGBank cũng hao hụt ít nhiều. Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PGBank đạt 47.833 tỷ đồng, giảm 1.158 tỷ đồng, tương đương 2,4% so với cuối năm 2022.
Khối nợ xấu “khủng” lại phình to
PGBank là một trong những nhà băng đứng Top đầu về nợ xấu ngay cả khi đã bán nợ xấu cho VAMC. Và trong quý III/2023, khối nợ xấu “khủng” này tiếp tục phình to hơn.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2023, Nợ xấu của PGBank đạt 796 tỷ đồng, chiếm 2,61% tổng dư nợ tín dụng; tăng 52 tỷ đồng, tương đương 7% về giá trị tuyệt đối. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,56% lên 2,61%.
Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả chính là PGBank ghi nhận trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tăng từ 952 tỷ đồng lên 1.075 tỷ đồng. Chỉ tiêu này bằng 3,53% tổng dư nợ tín dụng.
Dù nợ xấu đi lên nhưng PGBank lại mạnh tay cắt giảm dự phòng. Trong quý III/2023, chỉ tiêu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại ngân hàng này chỉ là 57,2 tỷ đồng, giảm 20,2 tỷ đồng, tương đương 26,1%; lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 76 tỷ đồng, tương đương 34,5% xuống 144 tỷ đồng.
Nếu PGBank không cắt giảm dự phòng, lợi nhuận của ngân hàng còn “lao dốc” mạnh hơn con số 60%. Chi lương và phụ cấp đạt 282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 258 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Cho vay Thành viên HĐQT/Ban Kiểm soát/Ban Tổng giám đốc
Đáng lưu ý, Báo cáo tài chính quý III/2023 của PGBank cho thấy trong kỳ, ngân hàng có phát sinh cho vay với Thành viên HĐQT/Ban Kiểm soát/Ban Tổng giám đốc và người liên quan. Giá trị cho vay là gần 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, PGBank không công danh sách các lãnh đạo vay vốn tại PGBank.
Theo Điều 126, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, những người quản trị, điều hành ngân hàng đều thuộc đối tượng cấm cấp tín dụng. Điều luật này không cho phép ngân hàng cấp tín dụng cho thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và một số chức danh tương đương khác. Thậm chí, cha, mẹ, vợ, chồng, con của họ cũng bị cấm. Việc cấp tín dụng dựa trên tài sản bảo đảm của những người này cũng tuyệt nhiên cấm.
Mục đích của việc đặt ra những quy định này là khá rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước muốn hướng tới việc ngăn ngừa xung đột lợi ích trong tổ chức tín dụng. Các quy định sẽ không cho phép giới chủ ngân hàng, người quản trị, điều hành ngân hàng có thể lợi dụng quan hệ tín dụng để tư lợi, chiếm đoạt vốn và tài sản của ngân hàng.