Từ lâu, các nhà khoa học cũng đã nhiều lần cảnh báo về sữa nhiễm khuẩn Salmonella. Làm thế nào để biết con mình có bị nhiễm khuẩn hay không nếu không may đã sử dụng phải sản phẩm bị thu hồi này, đang là mối quan tâm của không ít bà mẹ, nhất là khi Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết đã có 54 lô hàng thuộc 29 mặt hàng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella Agona.
Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 29-12, TS. Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho người dân. Theo ông Sơn, sữa bột công thức không phải là sản phẩm vô trùng nên vẫn có thể có một hàm lượng nhỏ vi khuẩn Salmonella. Mà Samonella có thể có mặt trong các nguyên liệu một thời gian dài nhờ “sống dai” cả ở các môi trường khắc nghiệt. Việc pha sữa với nước ấm cho phép vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn để có thể gây bệnh.
“Do đó, nếu gia đình có con nhỏ, sử dụng sữa lâu ngày mà có các biểu hiện như đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng, có thể sốt hoặc không, thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Những ca bệnh này sẽ được báo cáo đến chính quyền địa phương.” - TS. Trương Hồng Sơn lưu ý.
Về sự gây hại của khuẩn Salmonella, TS. Trương Hồng Sơn cho hay, Samonella là một vi khuẩn có thể tồn tại ở những môi trường khắc nghiệt, như có thể sống được vài tuần ở môi trường khô và vài tháng ở môi trường nước.
Gần như tất cả các chủng vi khuẩn này đều gây bệnh cho con người. Thông thường, các serotype gây ra tình trạng viêm dạ dày ruột thường không gây ra biến chứng và không cần phải điều trị. Nhưng với người già, trẻ em, và người có miễn dịch kém thì cần hết sức lưu ý. Hai serotype của Salmonella enterica là Enteritidis và Typhimurium, là hai chủng gây đại dịch toàn cầu truyền từ động vật sang người.
Samonella gây bệnh bằng độc tố Salmonellosis, gây ra những triệu chứng cấp tính như sốt, đau bụng, nôn và buồn nôn. Các triệu chứng diễn ra sau 6-72 giờ sau khi nhiễm vi khuẩn và thời gian mắc bệnh có thể kéo dài từ 2-7 ngày. Đối với trẻ em và người già có thể gây ra tình trạng mất nước, thậm chí nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Với câu hỏi “người dân để tránh bị nhiễm khuẩn Salmonella”, TS. Trương Hồng Sơn cho biết, khi pha sữa công thức Lactalis, nước pha sữa nên đun ở nhiệt độ 70 độ C trong vòng 2 phút và làm mát ở nhiệt độ 37 độ C, để giúp không hoạt hóa vi khuẩn Samonella ở trong sữa.
Bê bối sữa nhiễm khuẩn bắt đầu từ trung tuần tháng 12, khi Ban Thư ký Mạng lưới Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc tế INFOSAN thông báo Pháp đã phải tiến hành thu hồi gần 7.000 tấn sữa thuộc 600 lô sản phẩm dinh dưỡng do Tập đoàn Lactalis, Pháp sản xuất từ tháng 2-2017 đến nay. Nhưng chưa dừng ở đây, cách đây vài ngày, số sản phẩm phải thu hồi đã tăng lên hơn gấp đôi khi Tập đoàn Lactalis tiếp tục mở rộng danh sách các sản phẩm bị nhiễm khuẩn.
Theo đó, Lactalis sẽ thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa công thức tại nhà máy Craon (Pháp) được sản xuất từ ngày 15-2 đến nay với số lượng 720 lô sản phẩm được bán tại Pháp và ở nước ngoài. Các sản phẩm thu hồi mới này bao gồm các sản phẩm bột và ngũ cốc cho trẻ sơ sinh của hai thương hiệu thuộc hãng là Picot và Milumel, cũng như hỗn hợp amino-acid dạng bột của thương hiệu Taranis. Các sản phẩm này được thu hồi ở tất cả các nước, tronhg đó có Việt Nam.
Hiện Lactalis cho biết chưa có báo cáo nào về trường hợp nhiễm Salmonella ở nước ngoài. Tuy nhiên 10 ngày trước gia đình của một bé gái 3 tháng tuổi uống sữa bị nhiễm khuẩn Salmonella và Hiệp hội người tiêu dùng UFC Que Choisir cho biết đã nộp đơn kiện Lactalis về vụ việc này.
Mặc dù hàng triệu sản phẩm sữa Lactalis của Pháp đã được ra lệnh thu hồi trên toàn thế giới song điều đáng lo ngại là, theo người phát ngôn của Tập đoàn Lactalis cho biết, hiện không xác định được số lượng còn bao nhiêu trên thị trường, đã được tiêu thụ, lưu kho hay vẫn đang được bày bán.
Theo CAND