Theo BGR, mới đây, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một hành tinh có kích thước gần bằng Trái Đất và quay quanh một ngôi sao trọn một vòng mất 3,14 ngày. Nó đúng là hành tinh Pi.
Pi là một hằng số sử dụng trong toán học và nhiều phép tính khác, nó là tỷ lệ giữa chu vi và đường kính của một vật hình tròn. Nó không bao giờ thay đổi, chính vì thế nó rất hữu ích trong toán học. Ngày 14/3 hàng năm còn được lấy làm “Ngày số Pi” theo ba chữ số đầu tiên của Pi (3,14).
Số Pi thực ra dài vô tận, nhưng ba chữ số đầu tiên được sử dụng phổ biến nhất trong các phép toán đơn giản và trong cuộc sống thường ngày. Vì vậy, sự phát hiện này quả thực là đặc biệt.
Dữ liệu của kính viễn vọng không gian Kepler đac giúp các nhà khoa học phát hiện và nhanh chóng nhận ra chu kỳ quỹ đạo của hành tinh này giống như tính toán trên giấy. Nó có kích thước gần bằng Trái Đất và bề mặt khá lồi lõm. Mặt trời của nó là một ngôi sao lùn, yên ắng và mát mẻ hơn nhiều so với các ngôi sao như Mặt Trời của chúng ta.
Với quỹ đạo chỉ có 3,14 ngày, nó quay quanh quanh quả cầu lửa này với tốc độ khoảng 291.000 km/ giờ và do ở gần Mặt trời nên nhiệt độ bề mặt của nó ước khoảng 176 độ C. Các nhà khoa học còn vui đùa nói rằng nhiệt độ này thực sự là hoàn hảo để nướng bánh ngọt.
Việc phát hiện ra những quả cầu khí khổng lồ trong vũ trụ là việc rất dễ dàng, nhưng các hành tinh càng nhỏ thì càng khó tìm thấy. Các nhà nghiên cứu nói rằng trong tương lai gần, chúng ra hoàn toàn có thể tìm thấy thêm các thế giới giống như Trái Đất hay sao Hỏa.