Theo Reuters, năm 2013 Shanghai Husi từng bị chính nhân viên kiểm tra chất lượng của mình tố cáo ra toà vì đã ép nhân viên phải vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm cũng như sử dụng hoá chất để "hồi sinh" các thực phẩm quá hạn.
Vụ kiện diễn ra đầu năm ngoái với hàng loạt cáo buộc của cựu nhân viên kiểm định chất lượng có tên Wang Donglai đối với công ty này.
Ông Wang Donglai làm việc tại Shanghai Husi Food từ năm 2007 đến năm 2013 và đã kiện công ty này để đòi khoản tiền 38.000 nhân dân tệ (khoảng 6.100 USD) bồi thường cho những thiệt hại về sức khoẻ do phải tiếp xúc thường xuyên với chlorine, hoá chất được công ty này sử dụng để làm sạch khi chế biến thịt.
Cựu nhân viên của công ty này cũng quyết định nghỉ việc và khẳng định đã bị ép buộc làm thêm giờ và thực hiện những "việc phi đạo đức" cũng như vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Phát biểu trong phiên toà diễn ra vào tháng 10.2013, ông Wang cũng cho biết ông không muốn giả mạo giấy tờ liên quan tới thời hạn sử dụng của các sản phẩm thịt và đã liên tục đề nghị ông chủ thay đổi quy trình làm việc để chấm dứt việc vi phạm các quy định an toàn thực phẩm và làm tổn hại tới người tiêu dùng.
Những đề nghị của ông đều bị ban lãnh đạo công ty bỏ qua. Trong phiên toà dân sự diễn ra tháng 10.2013, toà án quận Jiading, Thượng Hải đã bác bỏ các cáo buộc của ông Wang và cho rằng sức khỏe của ông là bình thường dựa trên hồ sơ được cung cấp bởi chính công ty Shanghai Husi. Toà án cũng bác bỏ những cáo buộc về việc làm thêm giờ hay vi phạm quy định an toàn thực phẩm do thiếu bằng chứng.
Thông tin về vụ việc này chắc chắn sẽ khiến giới chức Trung Quốc phải tìm hiểu sâu hơn về mức độ vi phạm các quy định an toàn thực phẩm của Shanghai Husi, dù luật sư của công ty này cho rằng vụ kiện của ông Wang có vẻ là một tranh chấp cá nhân giữa người lao động và ông chủ hơn là một vấn đề về an toàn thực phẩm.
Shanghai Husi từng bị chính nhân viên mình kiện và tố cáo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. |
Vụ scandal này hiện vẫn đang tiếp tục nóng sau khi 5 người thuộc công ty này bị bắt và hàng loạt nhà hàng siêu thị sử dụng sản phẩm do công ty này cung cấp thu hồi sản phẩm cũng như lên tiếng xin lỗi khách hàng.
Hệ thống nhà hàng McDonald mới đây đã ngừng bán các sản phẩm tại Hongkong vì đó là thực phẩm do Shanghai Husi cung cấp.
Bê bối thịt bẩn của Shanghai Husi bắt đầu khi một bản tin truyền hình của Trung Quốc công bố các hình ảnh cho thấy nhân viên công ty này đã đóng gói hàng quá hạn, ôi thiu và nhặt cả thịt bẩn rơi xuống đất để cung cấp cho khách hàng.