Nhóm khoa học gia do giáo sư Georg Drezler từ Đại học Georg-August (Đức) vừa xác định được ngôi sao mang tên Gilese 1061 là trung tâm của một "hệ mặt trời" độc đáo với 3 hành tinh. Xét về độ gần với mặt trời của chúng ta, Gilese 1061là ngôi sao xếp hàng thứ 20.
Gilese 1061 là một sao lùn đỏ có khối lượng chỉ bằng 0,12 lần mặt trời, 7 năm tuổi và có mức hoạt động yếu hơn nhiều so với sao mẹ của chúng ta. Thế nhưng, "con" của nó là 3 siêu trái đất to lớn và có khối lượng 1,4 đến 1,8 lần khối lượng trái đất.
Hành tinh gây chú ý nhất trong số 3 siêu trái đất này là Gilese 1061d, một hành tinh đá nằm hoàn toàn trong vùng sự sống của sao mẹ và có thể có các đại dương y như trái đất. Với khối lượng khoảng 1,7 lần trái đất và mức năng lượng tương đương năng lượng trái đất nhận từ mặt trời, các nhà khoa học tin rằng nó có nhiệt độ cân bằng như trái đất.
Nói cách khác, Gilese 1061d có thể là một thiên thể mang sự sống ngoài hành tinh. Đáng chú ý, hệ hành tinh Gilese 1061 cách chúng ta chỉ 12 năm ánh sáng, một khoảng cách thuộc dạng gần so với các ngoại hành tinh từng được phát hiện. Khoảng cách này là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học tìm hiểu thêm về siêu trái đất có thể ở được này.
Điều khác biệt lớn nhất là ở Gilese 1061d, 1 năm chỉ kéo dài 13 ngày trái đất bởi nó gần với sao mẹ. Nhưng đây vô tình lại là khoảng cách vừa phải để nó nhận đủ năng lượng từ sao mẹ, bởi như đã phân tích, Gilese 1061 hoạt động rất yếu. Siêu trái đất sống được này cũng là hành tinh xa sao mẹ nhất trong hệ Gilese 1061.
Nghiên cứu chi tiết sẽ được công bố trong số sắp tới của Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.