Theo Người Lao Động, thí sinh N.H.Q. ở tỉnh Hoà Bình có tổng điểm khi chấm lần đầu là 27,45 (điểm thực sau chấm thẩm định chỉ là 1). Thí sinh này có tới 2 điểm 0 môn Vật lý và Hoá học.
Cụ thể, trong lần chấm đầu tiên, môn Toán thí sinh N.H.Q. được 9,2 điểm, môn Vật lý được 9 điểm và môn Hoá học được 9,25 điểm. Đây là thí sinh tự do chỉ thi 3 môn tổ hợp khối A để xét tuyển đại học.
Sau khi chấm thẩm thẩm định, điểm thực của thí sinh N.H.Q. chỉ là 1 điểm môn Toán, môn Vật lý và môn Hoá học đều được 0 điểm. Tức tổng điểm chênh lệch cả 3 môn của thí sinh này lên tới 26,45 điểm.
Thí sinh có mức điểm chênh lệch sau chấm thẩm định cao thứ 2 là N.T.N.. Thí sinh này có điểm lần đầu môn Toán là 9,2, môn Vật lý là 9,25, môn Hoá học 9,25, Sinh học 5,5, Ngoại ngữ 9,4 và Ngữ văn là 5,25. Tuy nhiên, điểm thực được trả về của thí sinh này là Toán 3,6, Vật lý 2, Hoá học 3,7, Sinh học 2,25, Ngoại ngữ 3 và Ngữ văn 4. Tổng số điểm mà thí sinh này được nâng lên là 21,05 điểm.
Theo kết quả điều tra gian lận thi cử của Hòa Bình, có 64 thí sinh (63 thí sinh của năm 2018 và 1 thí sinh của năm 2017) được sửa điểm thi.
Cũng liên quan gian lận thi THPT quốc gia 2018, trao đổi với Zing.vn chiều 14/4, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho hay, nhà trường đã nhận được đơn xin thôi học của một sinh viên ở Hòa Bình trước khi Sở GD&ĐT tỉnh này gửi danh sách thí sinh được nâng điểm.
Đây là thí sinh duy nhất của Hòa Bình trúng tuyển vào trường, đã được nâng hàng chục điểm. Hiệu trưởng nhà trường nhận định sinh viên trên biết mình nằm trong danh sách được nâng điểm nên chủ động xin thôi học.
Về nguyên tắc, trường không có trách nhiệm thanh toán các chi phí tài chính. Tuy nhiên, nhà trường quyết định trả lại toàn bộ chi phí sinh viên này đã đóng.
Cũng theo ông Sơn, việc rà soát thí sinh gian lận không phải chỉ quy định trong một vài tháng, mà cả khóa học (khoảng 4 năm). Quá trình này, nếu phát hiện gian lận, sinh viên vẫn bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển và xử lý theo quy định.