Khám phá được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ Đài quan sát tia X Chandra của NASA, Kính viễn vọng không gian XMM-Newton của ESA và bộ đôi kính thiên văn vô tuyến dưới mặt đất Murchison Widefield Array ở Australia và Giant Metrewave ở Ấn Độ. Đây là vụ nổ mãnh liệt nhất được ghi nhận trong lịch sử vũ trụ kể từ sự kiện Big Bang, các nhà thiên văn học hôm 27/2 cho biết trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal.
Vụ nổ xuất phát từ hố đen siêu lớn ở trung tâm của một thiên hà trong cụm Ophiuchus. Nó giải phóng năng lượng lớn gấp năm lần so với sự kiện MS 0735+74 giữ kỷ lục trước đó, mạnh đến nỗi tạo ra một lỗ hổng khổng lồ bên trong khí plasma nóng xung quanh hố đen.
"Chúng ta từng thấy những vụ nổ ở trung tâm thiên hà trước đây nhưng lần này thực sự rất mạnh mẽ. Chúng tôi không biết tại sao nó lại lớn như vậy. Vụ nổ diễn ra rất chậm, trong hàng trăm triệu năm", Giáo sư Melanie Johnston-Hollitt từ Đại học Curtin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế cho biết.
Dữ liệu tia X kết hợp với dữ liệu bước sóng vô tuyến của hệ thống kính thiên văn trên mặt đất đã giúp các nhà thiên văn học xác nhận sự tồn tại của lỗ hổng vì nó nằm giáp với vùng chứa phát xạ vô tuyến. Những phát xạ này được tạo ra bởi electron di chuyển với tốc độ ánh sáng bên trong các tia năng lượng phóng ra từ hố đen.
Thông thường, các tia năng lượng được giải phóng ở cả hai phía của hố đen nhưng trong vụ nổ lần này, nhóm nghiên cứu chỉ quan sát thấy phát xạ vô tuyến ở một phía. "Chúng tôi cần nhiều dữ liệu hơn để giải thích những điều bất thường trong sự kiện này", nhóm nghiên cứu cho biết khám phá mới vẫn còn nhiều bí ẩn cần được giải mã trong thời gian tới.