Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Nguyễn Khoa Điềm; Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung cùng hơn 120 khách mời là các nhà khoa học, nghiên cứu, các văn nghệ sĩ ở Huế đã tham dự.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế Hồ Đăng Thanh Ngọc, hội thảo lần này là nhằm tham mưu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế những ý tưởng về kết nối thiết chế văn học nghệ thuật với du lịch để xây dựng chiến lược phát triển du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa trong tương lai; đồng thời đề xuất xây dựng một số thiết chế mới.
Bên cạnh một số thiết chế văn hóa phổ biến hiện nay như: bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim… thông qua tham luận, các tác giả cho rằng nội hàm của khái niệm thiết chế văn hóa cần được mở rộng, bao gồm cả nhà thờ, nhà lưu niệm, khu nghĩa trang văn nghệ sĩ, các vườn tượng, các tác phẩm, hiện vật liên quan đến văn nghệ sĩ nổi tiếng, hệ thống di sản văn nghệ trong chốn thiền môn… mặc dù chứa nhiều tiềm năng nhưng chưa được đánh giá, khai thác đúng mức và nếu được tổ chức bài bản, đầu tư công phu thì có thể khai thác tốt loại hình du lịch mới mẻ này nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vùng đất sở hữu 7 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại, hàng trăm di sản văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Tại hội thảo, nhiều tác giả đã đã đề xuất xây dựng một số thiết chế văn học nghệ thuật mới, đó là đặt tên cho một số công viên như xây dựng không gian văn hóa Nguyễn Du ở khu vực Bàu Vá, Hương Long, Huế; dựng bia khắc bài thơ “ Đây thôn Vỹ Dạ” ở đầu phường Vỹ Dạ, Huế; quy hoạch các tượng điêu khắc; xác định giá trị của Nhà xuất bản Tinh Hoa để đặt tên cho một công viên bên đường Trần Hưng Đạo, Huế và quy hoạch xây dựng Bảo tàng văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế…