Phát huy sức sáng tạo của nông dân qua quỹ hỗ trợ ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư mở rộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Phát huy sức sáng tạo của nông dân qua quỹ hỗ trợ ưu đãi

Phát huy sức sáng tạo của nông dân

Trước đây, gia đình anh Vũ Văn Chiến, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có nguồn thu chủ yếu từ trồng lúa. Nhờ mạnh dạn khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, năm 2015, gia đình anh đầu tư nuôi cá lồng trên sông. Theo anh Chiến, khó khăn lớn nhất ở thời điểm ban đầu là nguồn vốn, sau khi được tiếp cận vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân 100 triệu đồng (lãi suất 3%/năm), kết hợp với hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn khác, anh đầu tư 6 lồng, nuôi các loại cá trắm, chép, diêu hồng, lăng…

Anh Chiến chia sẻ, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, gia đình có thêm kinh phí mua cám, thức ăn cho cá. Nguồn vốn này được ví như “bà đỡ” giúp nông dân vượt qua khó khăn ban đầu, mạnh dạn sản xuất, kinh doanh.

Về kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông, anh Chiến cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là vào mùa bão, lũ. Vì vậy, anh nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai. Phòng bệnh cho cá, anh thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu ô xy, hạn chế việc phát sinh mầm bệnh, khử trùng môi trường nước, sạch mầm bệnh, kiểm soát nguồn thức ăn bảo đảm cho cá phát triển.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, phòng bệnh, mô hình của anh mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa. Gia đình anh dần mở rộng quy mô. Đến nay, sau 8 năm triển khai mô hình, gia đình anh đã đầu tư 37 lồng cá, thu lợi nhuận 700 triệu đồng/năm. Đặc biệt, không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Chiến còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để mọi người trong thôn, xã cùng làm và phát triển kinh tế gia đình. Năm 2019, anh cùng các hộ nuôi cá lồng ở xã Đức Long thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng. Đến nay, Hợp tác xã thu hút 16 xã viên, quy mô 320 lồng cá nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản lượng cá mỗi năm hơn 800 tấn, mang lại doanh thu 40 tỷ đồng/năm.

Giống như gia đình anh Vũ Văn Chiến, mô hình trang trại tổng hợp của chị Nguyễn Thị Quyên (thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành) là điểm sáng trong phong trào sản xuất, kinh doanh. Chị Quyên vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới bắt tay vào làm trang trại, chị Quyên cho biết: Năm 2014, khi bắt tay vào làm, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Để có đất làm trang trại, anh chị phải cải tạo đất từ khu lò gạch cũ, đắp đường, đào ao thả cá. Dần dần, mỗi năm quy mô trang trại được mở rộng. Đã có lúc, chị muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, mong muốn làm giàu giúp vợ chồng chị biến khó khăn thành hành động, vượt qua tất cả.

Giữa lúc khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu vốn mở rộng sản xuất, năm 2018, chị được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh với lãi suất 3%/năm. Từ đó, vợ chồng chị có thêm quyết tâm để phát triển kinh tế. Chị Quyên chia sẻ, làm nông nghiệp cũng như những ngành nghề khác, không được lùi bước trước khó khăn. Do vậy, muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Chỉ cần tìm hiểu có mô hình sản xuất hiệu quả, chị lại đến tận nơi học tập kinh nghiệm; tham gia các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm do Hội Nông dân tổ chức.

Đến nay, trang trại của gia đình chị Quyên có khu sản xuất lợn siêu nạc theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 3.500 con, 3 ao cá thương phẩm, trồng 700 cây ăn quả, cây dược liệu xen kẽ để phát huy tối đa diện tích đất cải tạo. Tổng doanh thu của trang trại đạt hơn 13 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 -15 lao động có thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Động lực giúp nông dân vươn lên

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Thao cho biết, được thành lập từ năm 1997, đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt hơn 114 tỷ đồng. Vốn từ quỹ đã góp phần tạo điều kiện để nông dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế. Quỹ đã giải ngân cho 1.750 hộ nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho gần 5.300 hội viên. Nhờ vậy, trong phong trào nông dân, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, sáng tạo, tập hợp nông dân vào trong tổ chức, mở hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn.

Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng huy động xây dựng quỹ, quản lý, điều hành, thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định. Hội tập trung lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030" đã được phê duyệt. Nhờ đó, nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, thêm nguồn vốn để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Ninh đảm bảo nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân từ 10 tỷ đồng trở lên/năm và từ 15 tỷ đồng trở lên/năm giai đoạn 2026-2030. UBND cấp huyện cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng cấp từ 300 triệu đồng trở lên.

Đối tượng được vay gồm các hộ hội viên, nông dân tự nguyện tham gia dự án nhóm hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh; Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp có ký hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác với Hội về việc hỗ trợ nông dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay ngắn hạn với các khoản vay có thời hạn đến 12 tháng và cho vay trung hạn với các khoản vay có thời hạn từ trên 12 tháng đến 36 tháng. Mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ; quy mô cho vay dự án nhóm hộ tối đa 2 tỷ đồng/dự án.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.