Phát triển nhân lực ngành xuất bản đáp ứng yêu cầu thời đại

(Ngày Nay) - Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác xuất bản luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, hoạt động xuất bản, in và phát hành đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong quần chúng nhân dân.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong điều kiện toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự dịch chuyển nhanh chóng từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh tri thức, bối cảnh cạnh tranh của thế giới cũng đã và đang thay đổi. Thực tiễn trên đặt công tác đào tạo nhân lực xuất bản trước yêu cầu đổi mới toàn diện từ nội dung đến hình thức, phương pháp, phương tiện; từ tư duy, chiến lược, mục tiêu đào tạo đến tổ chức thực hiện; từ cơ chế, chính sách đến nguồn lực, từ cơ sở vật chất đến con người..., bảo đảm xây dựng, phát triển, đáp ứng các yêu cầu mới của thời đại.

Nhân lực chưa ngang tầm yêu cầu đổi mới

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước hiện có 2.011 cơ sở phát hành sách (giảm 1,91%), trong đó có 508 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm; 1.477 nhà sách, hộ kinh doanh (theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố); 26 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm và gần 13.500 điểm phát hành xuất bản phẩm. Số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Năm 2023, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng ngành vẫn xuất bản được gần 37.000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử.

Toàn ngành hiện có 4.590 lao động, trong đó phần lớn được đào tạo về các ngành khoa học xã hội và nhân văn, bao gồm cả những người được đào tạo chuyên về biên tập xuất bản; có hơn 2.100 người đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức biên tập và được cấp chứng chỉ hành nghề.

Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng lĩnh vực xuất bản, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.

Việt Nam hiện có 3 cơ sở đào tạo xuất bản, đó là Khoa Xuất bản - Phát hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Khoa Xuất bản - Phát hành, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (đào tạo chuyên ngành Kinh doanh xuất bản phẩm); Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đào tạo chuyên ngành Biên tập - Xuất bản và Xuất bản điện tử). Nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ ngành xuất bản đều dựa trên thực tiễn phát triển của ngành trên thế giới cũng như ở Việt Nam; đồng thời, nội dung đào tạo phù hợp với quy định về xây dựng Khung Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nhà xuất bản cho thấy, khó khăn chủ yếu đối với các đơn vị tuyển dụng là phải đào tạo lại nhân sự mới để đáp ứng theo yêu cầu, quy trình của công việc. Tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp phải được "cầm tay chỉ việc" còn diễn ra phổ biến. Đây cũng là hiện trạng chung của đa phần ngành nghề hiện tại, bởi nếu không phải tái đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ, quy trình, thì cũng phải thay đổi về tư duy làm việc, tư duy độc lập - sáng kiến của nhân sự mới. Nhiều thế hệ sinh viên ra trường không được trang bị kỹ năng để dấn thân vào công việc thực tế rất khó thích ứng với công việc được giao.

Nhiều năm qua, việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên ngành với các doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thực sự hiệu quả. Việc phát hành xuất bản phẩm điện tử không triệt tiêu quy trình xuất bản truyền thống mà tồn tại song song; đây là một hướng phát triển nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, hiệu quả của nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành. Nguồn nhân lực để thực hiện đồng thời 2 quy trình xuất bản này đang thiếu, không phải nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành nào cũng có thể đầu tư đào tạo, tuyển dụng được đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng được việc chuyển giao công nghệ, phát hành hiện đại của các nước trong khu vực và thế giới. Đây là một trong những hạn chế làm chậm quá trình phát triển của xuất bản hiện nay và trong thời gian tới.

Lý giải cho bất cập này, Tiến sỹ Phạm Thị Hoa, Học viện Báo chí và Tuyên tuyền cho rằng trước hết là do tâm lý ngại thay đổi, còn thụ động trước sự đổi mới công nghệ, chậm trễ trước xu hướng chuyển đổi số. Nhân sự ngành xuất bản nhìn chung chưa ngang tầm với nhu cầu thời đại, cả về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, sử dụng công nghệ hiện đại. Các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực xuất bản chưa có chiến lược nhân sự phù hợp, còn bị động trước xu thế của công nghệ số hóa. Sự gắn kết giữa các ngành nghề, liên kết, hợp tác của phần lớn doanh nghiệp xuất bản hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ..., gây cản trở việc thu hút đầu tư, trọng tâm là giao dịch thương mại điện tử toàn cầu.

Nâng cao chất lượng nhân sự đầu vào

Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất bản ở Việt Nam để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn là một tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Theo nhiều chuyên gia, quá trình này cần phải bám sát mục đích, chiến lược phát triển nhân lực, dựa trên những cơ sở chính trị, pháp lý cụ thể và từ tổng kết thực tiễn để xác định rõ hơn hướng đổi mới, cũng như những nội dung, phương diện cần đổi mới.

Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước, các cơ sở đào tạo chuyên ngành cần phối hợp với các tổ chức hội nghề nghiệp trong từng lĩnh vực khảo sát, đánh giá tổng thể về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hiện có, nhu cầu thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp; tập trung nguồn lực đổi mới chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra, vị trí việc làm, đa dạng hóa loại hình đào tạo. Cần có chương trình phối hợp, liên kết trong nước và quốc tế trong xây dựng kế hoạch, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo; nghiên cứu hình thành các trung tâm thực hành để sinh viên có môi trường chủ động thực tập.

Các cơ quan quản lý nhà nước triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động xuất bản; tập trung đầu tư quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo từng lĩnh vực, từng giai đoạn; có chính sách ưu đãi thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn giỏi tham gia xây dựng chiến lược phát triển hoạt động xuất bản. Bên cạnh đó, cơ sở sử dụng lao động cần nhiên cứu, triển khai việc liên kết đào tạo giữa ba bên: cơ sở đào tạo - nhà tuyển dụng - sinh viên. Nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành có thể đặt hàng nhu cầu đào tạo; hỗ trợ tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, tìm hiểu thực tế tại cơ sở; xem xét tuyển dụng những sinh viên bảo đảm các yêu cầu vào làm việc.

Từ kinh nghiệm của đơn vị làm công tác xuất bản, Thạc sỹ Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ: Việc đào tạo cử nhân biên tập - xuất bản chủ yếu tập trung ở ba phương diện: biên tập, in, phát hành, trong khi, năng lực về kỹ thuật, kinh doanh, quản lý còn thấp. Các cơ sở đào tạo cần có sự điều chỉnh chương trình đào tạo, tăng cường đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại nhằm cung cấp cho ngành xuất bản nguồn cán bộ biên tập có nền tảng văn hóa tốt, có kiến thức về lý luận biên tập - xuất bản, kỹ năng thực hành, am hiểu pháp luật xuất bản số, có năng lực sản xuất nội dung số, quản lý kinh doanh, có thể thích ứng nhanh chóng với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại, thậm chí có thể tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học xuất bản.

Cùng quan điểm, Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân cho rằng một trong những giải pháp cần quan tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo nhân lực ngành xuất bản. Đồng thời, quá trình tự đào tạo của người học cũng rất quan trọng. Sinh viên hiện nay có khả năng thích ứng rất tốt với môi trường, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số; vì thế, các cơ sở đào tạo có thể dần hoàn thiện chương trình theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc tương lai.

Công tác xuất bản thời đại 4.0 không chỉ đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở, còn cần đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng sự phát triển. Việc cần làm không chỉ là nâng cao chất lượng bản thảo, các biên tập viên cần tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng. Nâng cao chất lượng nhân sự đầu vào, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, thường xuyên cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm xuất bản..., đòi hỏi có sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản lý, sự đồng hành của cơ sở đào tạo./.

Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Nhóm nhạc BTS tại Lễ khởi động sáng kiến "Love Myself" của UNICEF tại Hàn Quốc. Ảnh: UNICEF
Gặp gỡ fan BTS đứng sau blog gây quỹ được gần 1 tỷ đồng ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
(Ngày Nay) - Trong những ngày qua, cộng đồng fan nhóm nhạc BTS tại Việt Nam (V-ARMY) đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của tình yêu và sự đoàn kết. Chiến dịch quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ nhiều blog, fanpage đã thành công ngoài mong đợi khi con số tổng cộng vượt 1,2 tỷ đồng.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.