Nhắc đến An Giang, ngoài Khu Di tích - Văn hóa - Lịch Sử và Du lịch quốc gia Núi Sam với Miếu Bà Chúa xứ nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc, du khách còn biết đến Khu du lịch Núi Cấm như một điểm đến du lịch tâm linh, hành hương nổi tiếng ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi). Những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, những bảo tháp “chọc trời”, tượng phật Di Lặc, Quan Thế Âm ngự trên những đồi cao, vượt lên trên cánh rừng già đã tạo nên những giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh về một Thất Sơn huyền bí.
Được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây Nam Bộ với độ cao 716m, là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng không khác gì “bồng lai tiên cảnh” nên Núi Cấm được ví như Đà Lạt của đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ trung bình trong ngày của Núi Cấm từ 20- 25 độ C, luôn mang đến cho du khách một không khí mát mẻ, trong lành. Nếu có dịp nghỉ đêm trên đỉnh núi cao nhất miền Tây này, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng. Các quán cà-phêtừ bình dân đến sang trọng đều được xây dựng quanh bờ hồ Thủy Liêm, hướng mặt ra hồ và đón từng làn gió mát dịu. Những màn sương lãng đãng giăng giăng trên mặt hồ cùng với tiếng chuông chùa vang vọng giữa núi rừng tịch liêu như đưa chúng ta ngược về quá khứ, thuở rừng núi hoang vu của hàng chục, hàng trăm năm trước, hay bạn có thể bắt chuyện với người dân bản địa, để tìm hiểu về cuộc sống ẩn dật của các vị đạo sĩ trên đỉnh non thiêng này. Và còn có 1.001 câu chuyện thú vị, hấp dẫn về một vùng đất đã làm nên Thất Sơn huyền bí, thuở nào luôn chờ đón bạn đến tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm.
Tuy chưa phải là nơi cao nhất của Núi Cấm, nhưng quanh hồ Thủy Liêm là các điểm tham quan, hành hương hấp dẫn và độc đáo. Nhất là tượng phật Di Lặc ngồi, cao 33,6m, toạ trên một đỉnh đồi cao hơn 500m so với mực nước biển, được xác lập kỷ lục Châu á. Vị Phật nở nụ cười rất hiền hoà, làm cho bất cứ ai nhìn thấy cũng được nhẹ lòng, thanh thản. Bên trái là Thiền viện Chùa Phật Lớn, một ngôi chùa hình thành trong dân gian, do các nghĩa sĩ yêu nước đến dựng lên, sống ẩn dật như những đạo sĩ để chờ ngày làm nên nghiệp lớn. Ngày nay, Thiền viện Chùa Phật Lớn được xây dựng mới khang trang, rất đẹp và nhiều tượng phật rất to để cho người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Còn phía bên phải là Chùa Vạn Linh tựa lưng vào vách núi. Đây cũng là một ngôi chùa được du khách thập phương tin tưởng là rất linh thiêng bởi sự trang nghiêm và uy nghi của những bảo tháp “chọc trời”. Bất cứ ai, dù chỉ một lần đến Núi Cấm cũng đều cảm nhận được sự trang nghiêm và linh thiêng của nơi này.
Bà Hà Thị Liên, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (bên phải) cùng đoàn tham quan đỉnh Núi Cấm bằng cáp treo. |
Bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cũng như rất nhiều thành viên trong đoàn đến với khu du lịch Núi Cấm. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, tên là Núi Cấm nhưng lại rất rộng mở để đón tiếp mọi người đến đây để tham quan du lịch. Và những thắng cảnh của Tịnh Biên, của An Giang rất đẹp. Khi chưa đến đây, tôi đã biết rằng về với du lịch Núi Cấm, du lịch Tịnh Biên là về với du lịch tâm linh. Nơi đây có nhiều ngôi chùa rất đẹp và linh thiêng”.
Cùng đi trong đoàn, ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên - Huế ,sau khi tham quan, cúng viếng những ngôi chùa vác các điểm trên đỉnh Núi Cấm đã không giấu được cảm xúc tuyệt vời của mình. “Lần đầu tiên được đến đây và đi cáp treo tại Núi Cấm. Cảm tưởng của tôi lúc đầu không nghĩ nó không hoành tráng như thế này. Lên đến đỉnh núi thì như lòng mình được mở ra, đầu óc thênh thang, không gian rất rộng rãi, đồi núi chập chùng, nhiều chùa và chùa thì rất linh thiêng. Tôi đã cầu nguyện cho tất cả mọi người sao cho cái lành nó đến, cái dữ nó đi, tất cả được an lành. Khi về Huế, tôi sẽ kể lại những kỷ niệm ở đây với bạn bè và người thân. Tôi tin rằng, du lịch Núi Cấm còn rất nhiều tiềm năng phát triển và sẽ phát triển lên một tầm cao mới, trong thời gian ngắn nữa thôi”, ông Phạm Bá Vương bày tỏ.
Những toà tháp cao trên đỉnh Núi Cấm. |
Với những tài nguyên du lịch hiện có và theo quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh An Giang, Núi Cấm hoàn toàn có thể phát triển thành một khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái núi rừng đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Để thực hiện được những mục tiêu trên, Núi Cấm đã từng bước khắc phục các trở ngại hiện có như dân cư, giao thông, sự thiếu thốn về mặt sản phẩm và dịch vụ du lịch...
Theo quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, thời gian tới, sẽ phát triển khu du lịch Núi Cấm thành khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng, tổ chức bảo vệ cảnh quan rừng nhiệt đới nhằm thu hút khách tham quan du lịch. Chung quanh khu trung tâm hành hương gồm Thiền viện - Chùa Phật Lớn, Chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc sẽ xây dựng và phát triển thêm các khu thương mại, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm và các dịch vụ nhằm phục vụ khách hành hương, chiêm bái. Đồng thời cải tạo cảnh quan chung quanh hồ Thủy Liêm, khu vực phía trước tượng phật Di Lặc để tạo mỹ quan và không gian du lịch phù hợp với tổng thể của khu vực. Ngoài ra, còn cho xây dựng và phát triển thêm các khu làng nghề truyền thống, khu ẩm thực đặc trưng của Núi Cấm và khu văn hóa Phật giáo. Bên cạnh đó, là khu dân cư (tái định cư) tập trung và phân tán để phục vụ các dịch vụ du lịch.
Theo ông Đặng Đức Phong, Trưởng Phòng Du lịch - Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh An Giang, không chỉ là Trung tâm hành hương, Núi Cấm còn hứa hẹn trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi đặc sắc cho du khách. Nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tham quan ngắm cảnh; sắp tới Khu du lịch Núi Cấm cũng sẽ kêu gọi đầu tư thêm các dịch vụ như: cải tạo Vồ Bồ Hong thành khu vọng cảnh, tháp vọng cảnh; cải tạo và nâng cấp trục đường đi bộ từ khu trung tâm hành hương lên Vồ Bồ Hong nhằm tạo tầm nhìn cảnh quan đặc trưng của núi Cấm; khu resort nghỉ dưỡng trên Vồ Bồ Hong hoặc có tầm nhìn hướng ra hồ Thanh Long và vườn thực vật đặc trưng của Núi Cấm với khu nghỉ dưỡng và tắm thuốc phức hợp. Ngoài ra, không thể thiếu việc đầu tư xây dựng một công viên trò chơi với quy mô lớn, gồm các dịch vụ vui chơi, giải trí như trò chơi cảm giác mạnh, các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng đi cùng cũng sẽ được từng bước đầu tư và phát triển.
Mục tiêu của tỉnh An Giang đón 9,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019 với doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng. Để mở rộng và thu hút đầu tư du lịch, An Giang đã mời gọi đầu tư 10 dự án với tổng vốn đăng ký 7.271 tỷ đồng; đầu tư các dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu du lịch hơn 3.826 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch khu vực quản lý nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp kinh doanh du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.