Ban Tổ chức sẽ sắp xếp người tham dự thành các đoàn trang phục (áo dài nam, áo dài nữ, áo tấc, áo giao lĩnh, áo tứ thân, áo nhật bình, tướng lĩnh, binh lính...) hoặc các đoàn chuyên đề - do các đơn vị đề xuất/đăng ký (đám cưới, đại triều phục...) và đoàn tự do (công chúng mặc cổ phục hưởng ứng tại sự kiện). Mỗi đoàn gồm từ 15 đến 33 người, chia thành 02 hoặc 03 hàng dọc.
Ảnh: Great Viet Nam |
Ảnh: Hoa niên - Năm tháng tươi đẹp. |
Đoàn diễu hành sẽ bắt đầu di chuyển từ ngã tư Hàng Khay - Lê Thái Tổ, đi theo cung đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng và dừng chân tại đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tổng chiều dài cung đường rơi vào khoảng một kilomet quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Ngày hội ghi nhận sự tham gia của các đơn vị thực hành/ứng dụng cổ phục lâu đời, có uy tín trong cộng đồng Việt phục, bao gồm Đông Phong, Great Vietnam, Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, Thủy Trung Nguyệt, Đại Nam Chân ảnh và Quê Cực. Các đơn vị sẽ chia sẻ và giới thiệu thành quả/một phần thành quả tiêu biểu về nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống của mình. Biểu diễn trang phục tại không gian mở sẽ là cơ hội để đưa Việt phục và các giá trị truyền thống đến gần hơn với công chúng Thủ đô.
Ảnh: Quê Cực. |
Ảnh: Đông Phong. |
Bên cạnh đó, ngày hội “Bách Hoa Bộ Hành” cũng hướng đến việc tăng cường giao lưu, tình đoàn kết giữa các đơn vị tham gia; tạo cơ hội để mỗi đơn vị, thành viên/khách hàng của mỗi đơn vị, người đam mê/yêu thích cổ phục thể hiện màu sắc của mình; đồng thời gợi mở khả năng hợp tác khác nhau trong tương lai tùy theo nhu cầu của từng đơn vị.
Chia sẻ với Ngày Nay, chị Nguyễn Nga - người sáng lập thương hiệu Việt cổ phục Thủy Trung Nguyệt cho biết: "Có rất nhiều cái đầu tiên ở sự kiện 'Bách Hoa Bộ Hành'. Đây là sự kiện Việt phục có quy mô lớn đầu tiên sau hai năm đại dịch COVID-19 tại Hà Nội, cũng là sự kiện bộ hành đầu tiên của giới cổ phục miền Bắc. Ngày hội được mở ra với mong muốn tạo một sân chơi văn hoá cho các bạn trẻ yêu Việt phục được thoải mái thể hiện sở thích của mình, và đồng thời quảng bá hình ảnh của Việt phục đến gần hơn nữa với thị chúng."
Trước đó, Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân ảnh từng phối hợp tổ chức thành công triển lãm mang tên "Trang phục Việt thời Nguyễn" tại Không gian nghệ thuật MU Lala Art Space (Hà Nội) hồi tháng 3/2022.
Nguyễn Nga - người sáng lập thương hiệu Thủy Trung Nguyệt. |
Ảnh: Đại Nam Chân ảnh. |