Giọng hát của Sương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Mạc Mai Sương, một cái tên lạ tai, nhưng không hề lạ lẫm trong giới nghệ sĩ indie. Từng viết và hát một cách bản năng, từng có thời gian trầm cảm cùng quay cuồng với “khủng hoảng hiện sinh” nơi Paris hoa lệ, từng tham lam, cũng từng chẳng ưa thích gì giọng hát của chính mình, tất cả đều là những viên đá xếp chồng trên quãng đường dài cho đến những “trái ngọt” của ngày hôm nay. 
Mạc Mai Sương ở show Inner Us. Ảnh: Linh Lê
Mạc Mai Sương ở show Inner Us. Ảnh: Linh Lê

Dưới đáy của chiếc hộp Pandora là âm nhạc

Sinh ra ở Bắc Giang, nhưng Mạc Mai Sương chỉ có 6 tháng ấu thơ sống nơi đây, còn phần lớn thời gian niên thiếu của cô dành cho hai thành phố là Paris và Hà Nội. Từ ngày còn bé, Sương đã luôn biết mình sẽ làm nhạc.

Và không chỉ nhạc, chất nghệ sĩ thấm đẫm trong con người Sương, cô gái ấy vừa muốn hát, vừa muốn nhảy múa, vừa thích viết nhạc, cũng thích cả làm phim. Cô tự nhận mình rất tham lam. Sương lớn lên cùng tình yêu với nghệ thuật ấy, và phát triển tự do như loài cỏ dại.

Sương bắt đầu tập tành viết nhạc từ năm 15. Năm đó, cô tự mình đăng ký thử giọng vào nhóm nhạc do Đại sứ quán Pháp bảo trợ, thường đi diễn vào thứ 7 cuối cùng hàng tháng.

Lên đại học, Sương một lần nữa sang Pháp để học làm phim, với suy nghĩ môn Nghệ thuật thứ 7 này có thể bao trùm luôn cả những đam mê khác như âm nhạc (Nghệ thuật thứ 2) hay nhảy múa (Vũ kịch – Nghệ thuật thứ 5). Nhưng chuyến đi lần này không như Sương mong đợi, không có cảm giác rưng rưng xúc động như khi được quay trở về “mái nhà” thứ hai, không có cảm giác tự do như cá biển chim trời khi được sống tại thành phố mà nhìn nghiêng cũng là nghệ thuật.

Giọng hát của Sương ảnh 1

Lần sang thứ hai này, Sương của tuổi 18 mang trong mình cảm giác lạc lõng, với nhận thức rõ ràng rằng mình chỉ là người nhập cư, rằng mình đang rất cô đơn nơi xứ người. “Em thật sự đã không thích nổi lối sống này,” cô hồi tưởng. Đúng giai đoạn ấy, bố của Sương lâm bệnh, việc học của cô vì thế càng khó có thể chu toàn.

Trong khoảng thời gian khó khăn đó, Sương rơi vào trầm cảm, cô không còn hát được, và đầu óc luôn quay cuồng trong những cơn bão mờ mịt về hiện tại, về tương lai, về sự bất an, cùng vô vàn câu hỏi không tên, mà khoa học vẫn gọi với cái tên “khủng hoảng hiện sinh” (existential Crisis).

Như chiếc hộp mà nàng Pandora lỡ mở ra, những suy nghĩ rối rắm tối đen chất chồng cứ thế ùa ra bao trùm lấy tâm trí Sương. “Em đã chẳng biết mình sống để làm gì, chỉ ăn rồi ngủ, và cứ mãi loay hoay với những 'câu hỏi vũ trụ' về ý nghĩa của sự sinh tồn. Nhưng, cũng chính vì vậy mà em có thể thành thật với lòng mình. Em có thể nhìn được sâu trong lòng, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: điều mình thực sự muốn làm nhất là gì?”

Và điều Sương muốn nhất chính là “âm nhạc”. Cô quyết định từ bỏ thành phố hoa lệ ấy để quay về.

"Sau Kết thúc là bắt đầu" là bài hát solo đầu tiên của Mạc Mai Sương.

Những lời hát “tạo không gian”

Wassily Kandinsky, họa sĩ - nhà lý luận nghệ thuật người Nga từng nói: “…hãy thả đôi tai bạn trong âm nhạc, mở mắt bạn với hội họa, và… ngừng suy nghĩ! Chỉ cần hỏi bản thân rằng tác phẩm này có khiến bạn ‘đi vào’ một thế giới chưa từng biết đến hay không. Nếu câu trả lời là có, bạn còn muốn gì hơn?”

Những câu từ trong nhạc của Sương khiến tôi cảm nhận sâu sắc được lời nói của Wassily. Tôi không phải một nhà phê bình âm nhạc hay một chuyên gia thẩm âm toàn tài, tôi chỉ đơn giản là nghe nhạc của Sương và có những cảm nhận của riêng mình. Sau lần đầu nghe Sương hát, cô đã cười và hỏi tôi: “Chị có nghe được em hát gì không?”

Và tôi đã phải thành thật rằng ngoài câu đầu tiên Sương hát ra, tôi đã chẳng thể nghe được gì.

Ca khúc ấy bắt đầu bằng câu “Đi lang thang trong rừng…” với chất giọng mỏng manh như khói, rồi bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi thấy mình bị kéo ra khỏi nơi đang đứng, như thể tâm trí của tôi bị nhấc lên, cuộn tròn lại rồi bỗng lạc bước trong một cánh rừng, với những tán cây rất cao và thẳng tắp, không khí nhẹ bẫng và đầy hư ảo, như một sáng mùa đông sương mờ che phủ.

Sương bật cười: “Em nghĩ đó là điểm đặc biệt trong nhạc của Sương đấy. Câu chữ trong bài hát của em ‘tạo không gian’ để người nghe bước vào, còn cảm nhận cụ thể ra sao sẽ phải do mỗi người tự soi chiếu.”

Sương thích những bài người khác viết cho giọng của mình, cũng làm rất tốt khi linh hoạt biến đổi trong những tác phẩm kết hợp với những nghệ sĩ khác. Nhưng hơn cả, cô càng muốn được viết nên những bài hát, những câu chuyện của bản thân.

“Dù họ có viết cho mình một bài hát hay đến đâu, hợp giọng đến đâu, có đạt được sự đồng cảm hay không, thì đó cũng là ‘tưởng tượng’, là sự ‘hình tượng hóa’ của họ về Sương. Với em, đó là một hạn chế”.

Giọng hát của Sương ảnh 2

Cường Lê và Mạc Mai Sương từng bắt tay nhau trong ca khúc "Hai con cá".

Cho đến giờ, Sương vẫn đang thử nghiệm nhiều thể loại âm nhạc, cũng chọn viết về đa dạng chủ đề. Cô viết về cả nỗi cô đơn, cả những niềm háo hức nhỏ bé, điểm chung nhất là chúng đều đem đến cảm giác nhẹ nhàng, chút vui vừa đủ, chút buồn vừa đủ, chút lãng đãng mơ màng cũng vừa đủ nốt.

Dù bắt đầu viết nhạc từ rất sớm, nhưng Sương nhận thấy, chỉ sau cú khủng hoảng đầu đời thì âm nhạc của mình mới dần có chiều sâu. Sương biết nhiều ngoại ngữ, và cho rằng cái hay của việc có thể sử dụng nhiều thứ tiếng chính là có thể liên đới những tầng ý nghĩa của ngôn từ, của các nền văn hóa đa dạng với nhau, chúng phần nào giúp cô rèn giũa tư duy của kẻ viết lời.

Hơn cả đam mê, làm nhạc là sống và chết với nghề

Tôi hỏi liệu bây giờ Sương đánh giá cuộc sống của mình được bao nhiêu điểm, cô nghiêng đầu suy nghĩ: “Có lẽ là cỡ 7.5, trên 10. Em tìm được điều mình muốn làm nhất. Cũng đang từng bước thành công trên con đường chinh phục những mục tiêu của mình.”

Với Sương, âm nhạc không phải, và không thể chỉ là đam mê: “Là đam mê, thì chẳng cần ai công nhận. Người làm nghệ thuật có thể thỏa mãn đam mê bằng cách tạo ra những gì mình mong muốn, và thế là đủ. Nhưng, em muốn biến nó thành nghề. 2.5 cuối cùng đó sẽ đạt được nếu như âm nhạc của Sương thực sự có thể nuôi sống chính mình.” Nói thẳng ra, Sương muốn âm nhạc của mình được đón nhận, có thể kiếm ra tiền để nuôi chính nó, “Tất nhiên là em vẫn muốn sáng tác những gì mình thích, sẽ rất tuyệt nếu công chúng có thể tiếp nhận và yêu thích nhạc của Sương. Em muốn làm nhạc một cách chân thành. Và bởi, em tin những điều chân thành sẽ có cách tự đi đến nơi cần đến, mà ta không phải cố quá nhiều.”

Giọng hát của Sương ảnh 3

Có người nói giọng của Sương rất “tĩnh” và trung tính, lại có người cho rằng giọng cô rất mộc và “liêu trai”.

Sương đã từng bật cười hỏi lại: “Liêu trai là như thế nào?”

Ngày mới quay về Hà Nội, Sương từng muốn đi xuyên Việt và viết nhạc, với niềm tin mình có thể dạy tiếng Pháp để kiếm tiền cho cả chuyến đi. Tuy dự định đã không thành, nhưng hiện tại cũng không mấy khác biệt, Sương vẫn đang làm rất nhiều việc để “nuôi âm nhạc”, như dạy tiếng Pháp, làm host của các chương trình âm nhạc tại Hanoi Rock City, và đi show dọc đất nước. Nhưng bản thân Sương hiểu, nếu không toàn tâm toàn ý vào âm nhạc thì cũng không thể kiếm được tiền từ âm nhạc. Sương không thể “sống bằng nhạc” nếu vẫn tiếp tục lửng lơ.

Trong kế hoạch của mình, Sương sẽ dùng năm 2022 để hoàn tất những công việc bên lề còn dang dở, chuẩn bị cho album đầu tay sẽ ra mắt vào nửa cuối năm. Sau đó, Sương sẽ bỏ hết những công việc kia và hoàn toàn tập trung vào làm nhạc. “Nếu em vẫn còn giữ những công việc khác, thì cục diện sẽ là: bản thân kiếm sống bằng những công việc đó, còn ‘làm nhạc’ chỉ là để ‘cho vui’. Em không muốn mình sẽ mãi làm nhạc kiểu như vậy.”

Giọng hát của Sương ảnh 4

Album đầu tay của Sương sẽ gồm 8 bài hát và 2 single. Hiện tại, tất cả các ca khúc đã được viết xong và đang trong giai đoạn phối khí.

Ở đoạn cuối của cuộc trò chuyện, tôi hỏi Sương, có câu nào Sương muốn được hỏi, nhưng chưa từng có một người phỏng vấn nào đề cập đến không. Và Sương đáp, đó là:

“Bạn muốn trở thành một nghệ sĩ thế nào?”

Sương cho hay, trước hết cô muốn trở thành một nghệ sĩ solo toàn diện và đa tài, rồi sau đó sẽ là một nghệ sĩ đủ tầm để có thể dẫn dắt được lớp trẻ.

“Em nghĩ mình khá tham lam, và mọi thứ sẽ còn rất lâu mới có thể thành hình. Nhưng khi đã có một vị trí nhất định trên thị trường âm nhạc, em muốn lập hãng đĩa riêng của Mạc Mai Sương, rồi mở công ty phát triển tài năng, ứng dụng những mô hình đào tạo mới và phù hợp nhất với thế hệ trẻ. Có những người có thể làm nhạc được rất tốt, và có những người có thể thể hiện một cách hoàn hảo những bài hát đưa cho mình. Quan trọng là họ cần một nơi có thể hướng dẫn để phát triển khả năng theo đúng hướng.”

Có lẽ, khi nghĩ về thời điểm bắt đầu của bản thân, lúc hành trang làm nhạc chỉ có tình yêu nghệ thuật, không người chỉ dẫn, chỉ hát một cách bản năng và tự nhiên như hơi thở, về chiếc hộp Pandora và một ngàn câu hỏi, Sương đã hình thành mong muốn bản thân trở thành người có thể đưa ra những lời giải đáp cho thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này.

Giọng hát của Sương ảnh 5

Thành tựu lớn nhất bây giờ là yêu được giọng của chính mình

Từng đề cập đến điều này trong một vài bài phỏng vấn, Sương nhắc lại bản thân đã có thời điểm không thích giọng của mình. “Em từng có một ‘mối quan hệ yêu ghét’ với giọng của bản thân. Mà trước đây, bố cũng từng nói giọng em không đủ đặc biệt để làm ca sĩ.”

Thế nhưng, với một quyết tâm không thể dập tắt, cô gái nhỏ đã viết cho bố mình một bức thư: “Giọng con có thể không đặc biệt, giọng con không bao giờ có thể như giọng của Céline Dion, nhưng giọng con là giọng của Sương.” Sẽ không có một giọng của Sương thứ hai nào trên đời, nội điều đó thôi đã làm cho giọng hát này trở thành đặc biệt và duy nhất.

Khi bắt đầu đi hát, Sương cùng cách hát đầy bản năng của mình đã nhận được nhiều khen chê. Có người nói giọng Sương yếu, cô tiếp thu và cố gắng điều chỉnh. Nhưng sự "tập trung quá mức vào cách hát" khi ấy lại khiến những màn trình diễn của Sương "cứng đờ" và "thiếu đi cảm xúc", như lời cô tự nhận. Dần dần về sau, khi đã tích lũy cho mình được tương đối nhiều bản lĩnh, Sương mới có thể thả lỏng hơn và có thể tận hưởng hết mình trên sân khấu.

Sương cho biết, đến giờ thành tựu lớn nhất của bản thân đến từ chính bên trong, là việc đã có thể hiểu điểm mạnh, điểm yếu và yêu được giọng hát của mình, cũng như không ngại ngần bộc lộ giọng hát và âm nhạc của mình ra với thế giới.

Còn về phần bố, Sương chia sẻ: "Sau nhiều năm nỗ lực và gặt hái những thành công “nho nhỏ”, bố cũng dần chuyển sang hoàn toàn ủng hộ con gái mình. Ông cũng chính là người đã mua đàn cho em,” cô mỉm cười.

-----

Hãy cùng thưởng thức một số ca khúc Mạc Mai Sương kết hợp với những nghệ sĩ độc lập khác, trong khi chờ đón album đầu tay sẽ ra mắt trong năm 2022 của cô:

"Phút Giây Nghỉ Ngơi" là bài hát đầu tiên Sương xuất hiện với vai trò sáng tác khi cô chấp bút cả giai điệu lẫn lời hát.

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.