Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 59 máy bay quân sự của Trung Quốc gần hòn đảo này trong 24 giờ đến 10 giờ sáng thứ Hai, với 39 chiếc trong số đó băng qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan, đóng vai trò là rào cản không chính thức giữa hai bờ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin rằng quân đội nước này tiếp tục tập trận xung quanh Đài Loan vào thứ Hai và nói rằng tàu sân bay Sơn Đông đã tham gia một cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay Sơn Đông đã triển khai các hoạt động không quân ở vùng biển gần Okinawa, Nhật Bản vào Chủ nhật, tiến hành các cuộc không kích mô phỏng trên không và trên biển. Trong cuộc diễn tập, máy bay chiến đấu phản lực và máy bay trực thăng đã cất và hạ cánh trên tàu sân bay 120 lần từ thứ Sáu đến Chủ Nhật.
Cuộc tập trận được công bố vào thứ Bảy, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh.
Các hoạt động quân sự nhấn mạnh cách tiếp cận ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận lớn nhất xung quanh đảo Đài Loan bằng cách huy động máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm Đài Bắc.
Trước chuyến đi của bà Thái tới Mỹ, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã tới thăm Trung Quốc. Ông Mã sau đó không lên án các cuộc tập trận quân sự mới nhất của đại lục và cáo buộc bà Thái làm leo thang căng thẳng xuyên eo biển.
"Phản ứng của Trung Quốc leo thang sau các chuyến đi của Mã Anh Cửu, Macron và von der Leyen, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch nào được công bố để tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa như vụ tập trận sau chuyến thăm của bà Pelosi", theo bà Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế.
Phản ứng của Bắc Kinh là tổng hòa của nhiều yếu tố, bao gồm niềm tin của họ rằng việc phô trương vũ lực là điều cần thiết để ngăn chặn các cuộc gặp cấp cao hơn giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc cũng có lợi khi phản ứng một cách hạn chế hơn so với tháng 8 năm ngoái, bà Hsiao chỉ ra.
Nhà phân tích này cũng cho biết việc củng cố tích cực các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng có thể khuyến khích Đài Bắc và Washington tiết chế các tương tác của họ trong tương lai.
"Một phản ứng hạn chế hơn cũng giúp phe đối lập của ông Mã Anh Cửu xử lý những thách thức nội bộ mà họ phải đối mặt để thuyết phục cử tri Đài Loan rằng các mối quan hệ xuyên eo biển ổn định hơn có thể thực hiện được thông qua đối thoại với Bắc Kinh", bà Hsiao nói.