Dị nhân có khả năng kháng lại nọc độc của loài rắn hổ mang này sống ở làng Ban Kok Sa-Nga, tỉnh Khon Kaen, Thái Lan, một ngôi làng nổi tiếng về việc nuôi rắn hổ mang.
Ông Bualee Chai, 74 tuổi, cũng là một người thích nuôi rắn hổ mang. Ông còn huấn luyện chúng để đem đi biểu diễn khắp nơi. Chia sẻ với CNN, ông Bualee Chai cho biết đã bị rắn cắn tới 21 lần, vài ngón tay của ông bị cụt cũng là do rắn cắn.
Mặc dù bị rắn cắn nhưng ông Bualee Chai không bao giờ tới bệnh viện hay tìm cách để loại bỏ nọc độc rắn ra khỏi cơ thể. Ở ngôi làng này người ta nuôi rắn như vật cưng và rất quý trọng. Ông Bualee Chai cũng vậy, luôn coi chúng là một thành viên trong ra đình của mình. Chính vì thế, việc cố gắng xuất nọc độc của rắn ra khỏi cơ thể được cho là độc ác và gây tổn thương cho loài vật này.
Ông Bualee Chai cho biết, ông đã sống với những con rắn độc này suốt 50 năm, và bí quyết giúp ông cũng như người dân trong làng tránh được những cơn nguy kịch do nọc độc rắn là nhờ một loại thảo dược được trồng nhiều trong khu làng có tên là wan Paya ngoo.
Khi bị rắn cắn, dân làng sẽ lấy loại thảo dược này trộn với chanh và nhỏ vào vết cắn sẽ có thể giúp chữa lành vết thương. Theo nghiên cứu, loại cây này có chứa chất dialdehyde có thể cô lập nọc độc bảo vệ các enzyme của protein không bị tấn công. Chính nhờ đặc tính đặc biệt của thần dược mà những người dân nơi đây mới có thể chung sống với rắn hổ mang như những người bạn.