Theo tin tức của Inquirer: Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 5 thường niên của Hiệp hội Luật Quốc tế Nhật Bản diễn ra ở trường Đại học Luật Chuo, chuyên gia pháp lý quốc tế người Phillippines Harry Roque Jr cho rằng một khi Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS thì “đã đồng ý tuân theo tất cả những vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng những quy định của UNCLOS cho tới những thủ tục bắt buộc và ràng buộc để giải quyết tranh chấp của Công ước này”.
Ông Roque, Giám đốc Viện nghiên cứu pháp lý quốc tế thuộc trung tâm Luật của ĐH Philippines đã nhắc lại rằng rằng cộng đồng quốc tế phải mất một thời gian rất dài để thống nhất các quy định của UNCLOS vì tất cả các nước trên thế giới muốn nó trở thành “hiến pháp cho các vùng biển”.
Trong blog cá nhân, ông Roque đã trình bày quan điểm của mình: “Bằng việc hạn chế sự cấm đoán và bằng cách áp dụng tất cả các quy định dựa trên cơ sở đồng thuận, chính là ý định của cộng đồng thế giới để gạt bỏ việc sử dụng vũ lực và hành vi đơn phương trong việc giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh từ vùng biển lãnh thổ”.
Roque cũng vạch trần quan điểm của Thẩm phán người Trung Quốc tại Tòa án Công lý Quốc tế - Xue Hanqin, khi ông ta cho rằng các quốc gia đã làm ra các quy định khi họ thông qua UNCLOS- kể cả Trung Quốc -là xem như đã chọn không tham gia các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước.
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang đổ vật liệu để xây dựng một đảo nhân tạo trên bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Roque cũng cho biết sẽ là bất lợi cho Trung Quốc nếu các báo cáo đã xác nhận rằng Trung Quốc xây dựng hòn đảo nhân tạo trên bãi Gạc Ma và mở rộng hòn đảo nhân tạo tại đá ngầm Chữ Thập và triển khai lực lượng hải quân của mình để né tránh bất kỳ sự phản đối nào .
Chính phủ Philippines đã yêu cầu Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để tuyên bố rằng "đường lưỡi bò" biên giới biển của Trung Quốc là bất hợp pháp vì nó không được sự phê chuẩn của UNCLOS.
Philippines cũng yêu cầu hội đồng trọng tài Hà Lan phán quyết 4 rạn san hô ngập nước: Panganiban (Mischief), McKennan, Burgos (Gaven) và Zamora (Subi); cùng với nơi mà Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo là một phần thềm lục địa của Philippines. Bên cạnh đó, Philippines cũng yêu cầu ITLOS tuyên bố rằng vùng biển bên ngoài 12 hải lý của bãi cạn Scarborough là một phần của vùng đặc quyền kinh tế thuộc Philippines.
Trong khi đó một giáo sư người Trung Quốc là Zhang Xinjun của Đại học Thanh Hoa, đã xúc xiểm khiếu nại của Philippines và gọi nó là “một khiếu nại ô hợp” bởi vì nó liên quan đến cả chủ quyền lãnh thổ đất liền và vùng biển. Bắc Kinh cũng cho rằng hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của Philippines.
Tuy nhiên, giáo sư Roque của đại học Philippine khẳng định rằng ba yêu cầu của Philippines là sự liên hệ trực tiếp và áp dụng các quy định cụ thể của UNCLOS đối với vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, hải đảo và vùng ngập nước. Do vậy nó hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án quốc tế.