Cạnh tranh mang đến nhiều lợi ích
Cơ hội cất cánh dự kiến của Bamboo Airways vào quý 4 năm nay dường như đang rộng mở hơn bao giờ hết, sau khi được Bộ Giao thông Vận tải chính thức cấp phép bay vào ngày 12/11 vừa qua. Bà có thể cho biết những bước triển khai đáng chú ý tiếp theo của Bamboo Airways sau khi nhận được giấy phép này?
Chúng tôi đang theo sát quy trình xin cấp Chứng chỉ nhà khai thác - AOC cũng như cẩn trọng thực hiện đúng Luật Hàng không dân dụng về việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không.
Đây là những thủ tục quan trọng bắt buộc để có thể cất cánh, tuy nhiên, mọi việc đều đang khá thuận lợi vì Bamboo Airways đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tiến trình pháp lý này.
Bên cạnh đó, các công đoạn cuối cùng liên quan đến bộ máy nhân sự, hạ tầng kỹ thuật... về cơ bản cũng đã được chúng tôi hoàn tất. Bộ phận nhân sự được nhiều người quan tâm nhất là phi hành đoàn thì hiện nay các khóa đào tạo phi công và tiếp viên đã được hoàn thành, và đều sẵn sàng cho việc khai thác dự kiến vào cuối năm nay.
Về máy bay, chúng tôi chuẩn bị đưa về Việt Nam những chiếc đầu tiên thuộc dòng A320 - A321 của Airbus, đều đã hoàn thiện các khâu thiết kế, lắp đặt cuối cùng tại nước ngoài và bay thử thành công.
Đó là các đầu việc lớn. Còn những việc chi tiết hơn nhưng cũng quan trọng không kém thuộc về phần dịch vụ như suất ăn, vé, các chương trình giải trí, nội thất trang thiết bị trên máy bay... cũng đã hoàn thiện, và đang được rà soát ở những khâu cuối cùng, để đảm bảo cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tối ưu.
Bà đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, tuy nhiên với hàng không, Bamboo Airways là doanh nghiệp đầu tiên mà bà tham gia điều hành. Bà dự định sẽ áp dụng kinh nghiệm của mình như thế nào với hãng hàng không mới này?
Mỗi ngành thì đều có những nét đặc thù riêng trong hoạt động quản lý và ngành hàng không cũng như vậy. Tuy nhiên trong lĩnh vực quản lý tài chính thì vẫn có những nguyên tắc chung nhất định.
Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng tại Việt Nam, tôi hy vọng và tin tưởng có thể đem những kinh nghiệm mà mình đã học hỏi, tích lũy được đóng góp cho việc xây dựng Bambo Airways trở thành một hãng hàng không vững mạnh.
Hiện tại chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm và phát triển quan hệ đối tác là các định chế, tổ chức tài chính nhằm tài trợ thuê, mua máy bay, nhu cầu vốn lưu động và các giao dịch tài trợ thương mại khác.
Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tìm kiếm các đối tác ngân hàng có thể hợp tác cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, theo hình thức hệ sinh thái sản phẩm tới cho khách hàng, đặc biệt là các khách hàng cá nhân, với tôn chỉ mang lại những tiện ích, giá trị vượt trội nhất.
Mong muốn của chúng tôi là mỗi khách hàng khi lựa chọn bay với Bamboo Airways, họ sẽ nhận được nhiều “hơn cả một chuyến bay”.
Cá nhân bà đánh giá như thế nào về tính chất cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam hiện nay?
Không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, ngành hàng không luôn được biết đến là một trong những ngành có sức ép cạnh tranh khốc liệt nhất. Bởi đơn giản việc thành lập một hãng hàng không đòi hỏi nguồn lực rất lớn cả về tài chính, công sức, thời gian và pháp lý như chúng ta đã biết. Và tất nhiên phải kể đến sức ép từ những thương hiệu cũ đang giữ phần lớn thị phần trên thị trường.
Nhiều người sẽ nói cạnh tranh khốc liệt như thế thì ít cơ hội cho các hãng mới, tuy nhiên, cần xem xét những môi trường cụ thể như tại Việt Nam.
Rất nhiều báo cáo trong nước và quốc tế đã chỉ ra tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, tôi còn nhớ Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vài tháng trước đã gửi Thủ tướng Chính phủ một kiến nghị, trong đó có nhắc đến việc Thái Lan chỉ có dân số bằng 72% Việt Nam, nhưng số lượng hãng hàng không tại đây nhiều gấp 4 lần và số lượng du khách quốc tế hàng năm cao gấp 3 lần Việt Nam.
Do đó, chúng tôi tin rằng sự cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam hiện nay không phải là sự cạnh tranh nhằm triệt tiêu các cơ hội, mà chính là sự cạnh tranh để giúp mở ra các cơ hội mới.
Sự ra mắt của những thương hiệu mới như Bamboo Airways không chỉ gia tăng cơ hội đi lại cho người dân, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh hàng không mà còn tác động tích cực trong nhiều lĩnh vực liên quan như hạ tầng hàng không; dịch vụ hàng không; xã hội hoá đầu tư, vận hành sân bay...
Gói combo của Bamboo Airways sẽ tiết kiệm đáng kể cho hành khách
Theo bà, chiến lược hybrid (kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không cước phí thấp) mà Bamboo Airways dự định theo đuổi liệu có thể làm nên lợi thế cho Bamboo Airways trước các doanh nghiệp lớn cùng ngành?
Mô hình hàng không lai là một mô hình đã và đang được nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới theo đuổi những năm gần đây.
Nếu mô hình truyền thống hướng về dịch vụ và mô hình hàng không cước phí thấp hướng về giá vé thì mô hình lai của Bamboo Airways sẽ cung cấp những trải nghiệm toàn diện. Theo đó, chúng tôi sẽ cung cấp tiện ích như hàng không truyền thống, nhưng với mức giá cạnh tranh được với hàng không cước phí thấp, và mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng được tất cả các loại nhu cầu khác nhau của hành khách trên cùng một khoang.
Nhưng, đây mới chỉ là một phần của mô hình lai. Về mặt quản lý, mô hình này còn có lợi thế trong việc khai thác linh hoạt các sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường, đồng thời cắt giảm chi phí để ổn định giá vé thông qua việc tích hợp các công nghệ mới trong quản lý hệ thống và điều hành.
Có một dịch vụ của Bamboo Airways được nhiều người kỳ vọng là các combo kết hợp giữa hàng không và du lịch. Bà có thể nói rõ hơn về định hướng của Bamboo Airways trong việc cung cấp gói dịch vụ này?
Phát triển các đường bay liên kết những vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam như Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Tp.HCM - Vân Đồn… là một định hướng quan trọng được Bamboo Airways xác định ngay từ những ngày đầu tiên.
Với 100 đường bay dự kiến kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế, chúng tôi muốn người dân sẽ có cơ hội bay thẳng đến những địa danh mình mong muốn, thay vì phải chuyển tiếp nhiều chặng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ngoài ra, nhờ sự liên kết mật thiết với hệ thống quần thể nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn FLC, chúng tôi đang thiết kế các combo trọn gói cung cấp cả hai dịch vụ hàng không và nghỉ dưỡng, chi phí tiết kiệm đáng kể so với các gói dịch vụ đơn lẻ chưa kể hàng loạt ưu đãi khác.
Chẳng hạn, khách hàng có thể chỉ phải trả tiền phòng mà không phải trả tiền vé máy bay. Thông tin về các gói combo này đang chuẩn bị được công bố ra thị trường.
Chúng ta đều biết chi phí đi lại, lưu trú chiếm quá nửa chi phí một tour du lịch. Nếu xây dựng được sản phẩm chung, chi phí sẽ tiết giảm, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch tại nhiều địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Và đây cũng chính là mục tiêu mà Bamboo Airways đang hướng tới.