Sáng 7/7, hàng triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn lần này đã khiến nhiều học sinh ngỡ ngàng do các “đề tủ” trên mạng xã hội đều không trúng.
Dưới phân tích của giới chuyên môn, đề thi môn Ngữ Văn năm nay có nhiều điểm mới và đạt được các tiêu chí phân loại tốt học sinh hơn.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Ngày Nay, Thạc sĩ Phan Thế Hoài – Giáo viên Bộ môn Văn học của một trường THPT tại TP.HCM phân tích, nhìn chung, đề ra sát cấu trúc với đề minh hoạ, nội dung không giảm tải, phù hợp với đề thi 2 trong 1. Dự kiến phổ điểm trung bình khoảng 6.0.
Thạc sĩ Hoài đánh giá, thứ nhất, phần đọc hiểu, ngữ liệu hay, kích thích sự hứng thú cho học sinh làm bài, có thể đánh giá sát năng lực học sinh. Cụ thể, câu nhận biết, thông hiểu (câu 1, 2), học sinh dễ dàng lấy 1 điểm. Câu vận dụng (câu 3, 4) học sinh phải hiểu nội dung văn bản thì mới có thể làm tốt yêu cầu.
Thứ hai, câu nghị luận xã hội, bàn về sự cần thiết của cống hiến, nhằm giáo dục lẽ sống của tuổi trẻ, sống phải có trách nhiệm cống hiến sức lực, trí tuệ cho tập thể, cộng đồng. Qua đó, phê phán lối sống vô trách nhiệm, ích kỉ của không ít người trẻ ngày nay.
Thứ ba, câu nghị luận văn học ra 3 khổ trong bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh). Từ đó, nhận xét vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh. Đề không gây bất ngờ cho học sinh, nhưng để làm bài tốt, các em phải có khả năng cảm nhận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài nhấn mạnh: “Phải hiểu ngôn ngữ thơ để giải mã những ẩn dụ về tình yêu. Đây là câu hỏi có điểm số cao nhất bài thi, 5 điểm, sẽ phân loại tốt học sinh”.