Ngày 18-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN), đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) về việc thực hiện sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất - kinh doanh.
Báo cáo tình hình sản xuất - kinh doanh, Chủ tịch VRG Trần Ngọc Thuận cho biết hoạt động trồng cao su ở Tây Bắc bước đầu thành công khi đạt 0,8 tấn mủ/ha, bằng 75% so với năng suất ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, cụ thể là trồng cao su ở Campuchia đang lỗ kế hoạch (dự kiến 5 năm). Tại Lào, hoạt động sản xuất bắt đầu có lãi.
Về các công việc sau cổ phần hóa, Chủ tịch VRG cho hay tập đoàn đã hoàn thành việc thỏa thuận phương án sử dụng đất, xử lý lao động dôi dư với các địa phương theo quy định của pháp luật. Hiện, đã bàn giao được hơn 1.300 ha trong tổng số hơn 29.000 ha cần phải giao cho các địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý VRG đa dạng hoá các sản phẩm từ cao su, đặc biệt là gỗ cao su, để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo ra nguồn thu mới và bền vững từ xuất khẩu đồ gỗ. "Doanh nghiệp tư nhân mua bản quyền mẫu mã 5 USD/bộ bàn ghế để sản xuất, xuất khẩu đi nước ngoài, mang lại giá trị cao. Tập đoàn cần đẩy mạnh xu hướng này thay vì tập trung vào trồng, chế biến, khai thác mủ cao sau và sản xuất gỗ ván MDF" - Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu VRG phải trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp về quy mô, quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ và hiệu quả hoạt động. Cùng đó, doanh thu phải đạt tới quy mô 10 tỉ USD trong thời gian tới.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý tập đoàn đẩy nhanh các công việc sau cổ phần hoá, tập trung vào thực hiện đo đạc, cắm mốc, ký hợp đồng cho thuê đất, cấp sổ đỏ với các địa phương, xác định cụ thể diện tích đất còn đang tranh chấp, đẩy mạnh việc bàn giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng...
"Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải kiểm soát từng mét vuông đất. Thành tích hay sai phạm hiện nay cũng đều từ đất mà ra. Phải rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, từ chủ trương, chính sách, tới thẩm quyền, trách nhiệm của từng cá nhân, tình hình tranh chấp đất đai ở các nông - lâm trường, các phương án sử dụng, chuyển nhượng đất sau khi cơ cấu lại doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.