Kinh tế biển bao gồm các lĩnh vực kinh tế khác nhau như: Năng lượng tái tạo, du lịch biển và ven biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, vận tải biển, quản lý chất thải và bảo tồn biển. Cách tiếp cận kinh tế biển bền vững thường vượt ra ngoài không chỉ việc coi đại dương là nơi cung cấp các nguồn lực kinh tế duy nhất, mà còn kêu gọi bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khi tìm cách cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội. Cách tiếp cận phải lường trước và kết hợp đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo rằng các hoạt động ứng phó với COVID-19 (kể cả các gói cứu trợ kinh tế) sẽ đóng góp vào việc phục hồi tốt hơn, vì một nền kinh tế biển công bằng, bền vững và có khả năng chống chịu hơn.
Tại tọa đàm, bà Unni Kløvstad (Bộ Ngoại giao Na Uy) cho rằng, đối với các quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương, năm 2022 là năm phù hợp để các quốc gia xây dựng chiến lược thích ứng đầy đủ và nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương; là điều vô cùng quan trọng do những cộng đồng này phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và khủng hoảng do dịch COVID-19; đồng thời họ cũng bị tổn thương do thiếu nguồn tài chính, sinh kế thay thế hạn chế, thiếu mạng lưới an sinh xã hội và an ninh lương thực.
Bàn về đóng góp của ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản vào nền kinh tế và sự phát triển bền vững trong và sau giai đoạn COVID-19”, Giáo sư Manuel Barange, Ban Chính sách và Nguồn lực Ngư nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đóng tại Rome, Italy cho biết, hầu hết các quốc gia đều nhận thấy 2-12% tiềm năng đánh bắt thủy sản từ đại dương (FAO 2018), nhưng công tác thích ứng (bao gồm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản) cho thấy mức tăng trưởng tiêu dùng bình quân đầu người ở hầu hết các quốc gia tổn thất trung bình khoảng 70%.
Để đảm bảo phục hồi và xây dựng lại tốt hơn sau dịch COVID-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu”, Giáo sư Manuel Barange nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược của FAO trong thời gian tới hướng đến: Tăng cường và mở rộng nuôi trồng thủy sản bền vững đáp ứng nhu cầu toàn cầu về thức ăn thủy sản và phân phối lợi ích một cách công bằng (đạt mức tăng trưởng 30-45% về nuôi trồng thủy sản toàn cầu vào năm 2030 với các loại thực phẩm chất lượng, được sản xuất bền vững); quản lý hiệu quả tất cả môi trường ngư nghiệp mang lại trữ lượng dồi dào và đảm bảo sinh kế công bằng (đảm bảo quản lý hiệu quả 100% vùng biển, cảnh quan vùng nước dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để xây dựng lại các trữ lượng bị khai thác quá mức); nâng cấp các chuỗi giá trị đảm bảo tính khả thi về mặt xã hội, kinh tế và môi trường của các hệ thống lương thực thủy sản (tái kích hoạt chuỗi giá trị sau dịch COVID-19)
Chia sẻ về “Thúc đẩy phục hồi sau COVID-19 và phát triển các-bon thấp đối với nền kinh tế biển của Việt Nam”, bà Trần Tú Anh, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam cho rằng, việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 của ngành Hàng hải có lộ trình từ giai đoạn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đến các quy định bắt buộc. Theo đó, có các giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách khi doanh nghiệp hàng hải thực hiện các chuyển đổi nhằm mục đích giảm thiểu khí phát thải trong các hoạt động.
Nhằm triển khai một số giải pháp phát triển các-bon thấp trong thời gian tới, theo bà Trần Tú Anh, Cục Hàng hải sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển và doanh nghiệp cảng biển tiếp cận được nguồn vốn, ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon. Đồng thời, Cục Hàng hải sẽ xây dựng và ban hành chính sách phát triển năng lượng tái tạo và trạm cung cấp năng lượng tái tạo trong chiến lược phát triển năng lượng sạch thân thiện mội trường cung cấp cho hoạt động tàu biển và cảng biển; đầu tư phương tiện, thiết bị và đóng mới tàu biển sử dụng điện, năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch và ít phát thải đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp hàng hải khi thực hiện chuyển đổi…
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng chia sẻ một số vấn đề như: Ngư nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản: kịch bản cho phát triển bền vững; du lịch biển, ven biển: Tác động của COVID-19 và các chiến lược phát triển tốt hơn vì một nền công nghiệp bền vững và có khả năng chống chịu”; phát triển năng lượng biển, đại dương sạch và tái tạo”.