Quá tải du lịch đe dọa Di sản Thế giới Angkor Wat

(Ngày Nay) - Doanh thu bán vé đến các ngôi đền Angkor đang giảm dần, theo báo cáo của công ty Angkor Enterprise đã tiết lộ rằng doanh thu bán vé cho Công viên khảo cổ Angkor giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quá tải du lịch đe dọa Di sản Thế giới Angkor Wat

Điều này đã khiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen phải để tâm. Ông nói với báo giới rằng việc bán vé giảm tại khu phức hợp du lịch di sản này không phải là vấn đề - thực tế, điều đó cho thấy nỗ lực đa dạng hóa du lịch của Campuchia ở khu phức hợp Angkor Wat đã thành công, khi nhiều khách du lịch đến thăm các địa điểm khác của Campuchia.

"Chúng ta không thể chỉ nhìn vào một cái cây - chúng ta phải nhìn vào toàn bộ khu rừng. Chúng ta phải tập trung vào việc biến Campuchia thành một điểm đến hấp dẫn hơn", ông nói.

Tuy nhiên, Angkor Wat không phải là điểm đến du lịch bình thường mà là một Di sản Thế giới được Unesco vinh danh, vốn có ý nghĩa văn hóa, tôn giáo và lịch sử to lớn.

Mặc dù Thủ tướng Hun Sen đã nói về sự đa dạng hóa, Angkor Way vẫn là điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất của Campuchia.

Theo Bộ Du lịch Campuchia, trong số 3,3 triệu khách du lịch quốc tế đã đến thăm nước này trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 1/3 ( khoảng 1,2 triệu người) đã đến thăm tỉnh Siem Reap - nơi có Angkor Wat.

Ngay cả khi nhiều khách du lịch đến thăm các tỉnh Koh Rong hoặc Mondulkiri, một con số đáng kinh ngạc vẫn đổ về Siem Reap và Angkor Wat.

Du lịch đã gây thiệt hại nặng nề cho khu phức hợp đền. Năm nay, công ty du lịch Responsible Travel đã phát hành một bản đồ ghi lại hơn 90 điểm đến tại 60 quốc gia được cho là đang trong tình trạng quá tải, trong đó có Angkor Wat.

Dù đã có ít khách du lịch đến thăm Angkor Wat trong năm nay so với năm ngoái, nhưng tình trạng quá tải và khai thác quá mức vẫn đe dọa đến điểm đến này.

Tiếng chuông cảnh báo đã vang lên

Hơn 10 năm trước, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng những ngôi đền như Bayon thuộc quần thể Angkor Wat đang bị sụt lún nghiêm trọng do các khách sạn gần đó rút cạn các hồ chứa dưới lòng đất.

Trong cuốn sách Overbooked: The Exploding Business of Travel and Tourism phát hành năm 2013, nữ nhà báo Elizabeth Becker đã gọi Campuchia là một mô hình du lịch sai lầm, lập luận rằng những không gian linh thiêng lộng lẫy của Angkor đang chìm dần trong đám đông người nước ngoài.

Hai năm trước, các nhà chức trách tỉnh Siem Reap đã đặt ra giới hạn 300 người được trèo lên ngọn đồi Phnom Bakheng do có quá đông khách du lịch leo lên đây chỉ để chụp ảnh hoàng hôn.

Quá tải du lịch đe dọa Di sản Thế giới Angkor Wat ảnh 1

Quá đông người tới thăm các ngôi đền tại Angkor Wat khiến di tích này bị tàn phá nghiêm trọng.

Các bậc thang bên trong nhiều ngôi đền đã bị bào mòn do nhiều người bước lên. Các bức phù điêu bị hỏng bởi số lượng lớn khách du lịch chạm vào chúng.

Tình trạng thiếu nước gần gây ở Siem Reap đã ra thiệt hại không thể khắc phục. Trong năm nay, các hào nước tại Angkor Wat đã mất hơn 10 triệu lít nước, tương đương với 4 bể bơi có kích cỡ Olympic.

HIện tượng mất nước đã đe dọa đến nền móng khu vực và tính toàn vẹn cấu trúc các công trình.

Ảnh hưởng nguy hiểm

Đáng chú ý, đợt hạn hán này có vẻ như đã ảnh hưởng đến các khách sạn ở Siem Reap khi phải liên tục bơm nước ngầm để phục vụ nhu cầu du khách.

Tuy nhiên, như Becker chỉ ra, chính quyền địa phương đã không đo lường lượng nước mà các khách sạn hút từ dưới lòng đất, hay thậm chí kiểm soát hành động này.

Quá tải du lịch không phải là điều gì đó mới mẻ tại Đông Nam Á, chính phủ Campuchia có thể nhìn sang các quốc gia láng giềng làm bài học.

Năm ngoái, Thái Lan đã cấm khách du lịch đến thăm đảo Ko Phi Phi Leh do ô nhiễm nước, tình trạng du khách xả rác đã khiến môi trường tại đây bị hủy hoại nghiêm trọng.

Tại Philippines, chính phủ nước này đã đặt ra giới hạn về số lượng khách du lịch được phép đến thăm các bãi biển El Nido, Palawan và cấm khách du lịch tới đảo Boracay trong 6 tháng.

Chính phủ Campuchia cần lưu ý nếu các địa điểm du lịch không được quản lý tốt, tình trạng quá tải có thể tàn phá chúng đến mức không thể mở cửa cho du khách.

Vậy phải làm gì để bảo vệ Angkor Wat tránh khỏi một số phận tương tự như Ko Phi Phi Leh hay Boracay?

Đầu tiên, chính phủ Campuchia nên điều tiết lưu lượng khách du lịch, hạn chế số lượng khách du lịch được phép đến thăm đền Angkor Wat và toàn bộ Công viên khảo cổ Angkor cùng một lúc.

Các quy tắc hiện hành giới hạn số lượng khách du lịch được phép ở một số khu vực nhất định của Angkor Wat hoặc Phnom Bakheng vẫn là chưa đủ.

Peru đã đưa ra giới hạn hàng ngày về số lượng du khách được phép ghé thăm thành phố cổ Machu Picchu, chính phủ Campuchia có thể xem xét các hạn chế tương tự.

Khi khách du lịch đã vào công viên, cần phải giám sát nhiều hơn nữa để đảm bảo họ không gây thiệt hại cho các ngôi đền.

Cầu thang gỗ đã được xây dựng tại một số ngôi đền, loại cầu thang này sẽ giúp bảo tồn các phiến đá trong đền. Các bức phù điêu nên được đặt trong lồng kính để tránh cho du khách chạm vào.

Cuối cùng, chính phủ Campuchia cần điều tiết tốt hơn hoạt động sử dụng nước của các khách sạn. Các nhà địa chất học và sử gia hiện tin rằng thành phố Angkor Wat sụp đổ vì hạn hán kéo dài sau đó là những cơn mưa dữ dội, làm hỏng cơ sở hạ tầng.

Theo Phnom Penh Post
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.