Công văn của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, nêu: “Thực hiện Công văn số 16268/VP-VX của Văn phòng UBND TPHCM về Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển. Để đảm bảo thực hiện tốt về công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa theo quy định hiện hành về Luật Di sản Văn hóa và các quy định khác có liên quan, Sở Văn hóa Thể thao đề nghị UBND quận Bình Thạnh khẩn trương thực hiện:
Khẩn trương tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với tất cả các công trình xây dựng trái quy định của Luật Di sản Văn hóa, xâm hại nghiêm trọng cảnh quan di tích Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển (theo quyết định 5279/QĐ-CCXP ngày 12/9/2024 của UBND quận Bình Thạnh về cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với căn nhà số 11 Nguyễn Thiện Thuật) để trả lại nguyên trạng di tích và cảnh quan di tích”.
![]() |
Trong khoảng sân hẹp còn lại vì bị các công trình xây dựng trái phép lấn hết đất được để xe máy và cả ôtô. Ảnh: Thanh Kiều |
Công văn này của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng đề nghị UBND quận Bình Thạnh: “Tổ chức vận động, cưỡng chế các cá nhân, hộ gia đình cư trú trong công trình di tích (trừ các con, cháu của ông Vương Hồng Sển đang cư trú tại di tích) ra khỏi di tích Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển. Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến để UBND quận Bình Thạnh thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật”.
Ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật từng được dân chơi cổ vật, sách quý hiếm biết đến với tên gọi Vân Đường Phủ. Vào tháng 8/2003, UBND TPHCM đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với ngôi nhà này là “Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống”, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.
Ngôi nhà cổ của học giả Vương Hồng Sển có 5 gian 2 chái, ngang 15m, sâu 20m, tọa lạc trên miếng đất diện tích 750m2. Năm 1952, học giả Vương Hồng Sển bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn nhà cổ từ vùng ven Sài Gòn về dựng lại trên mảnh đất này. Sau đó cụ Vương bỏ nhiều công sức tạo dựng để căn nhà mang dáng dấp cổ xưa với những vật dụng trang trí đầy dấu ấn thời gian.
![]() |
Trên mái hiên ngôi nhà cổ của di tích gắn chữ WC chỉ đường khách nhậu đi toilet. Ảnh: Thanh Kiều |
Nhưng hàng chục năm qua, trên khuôn viên 750m2 này lại được cho thuê bán quán ăn, quán nhậu và trú ở trong những công trình xây dựng trái phép. Hàng ngày, thay vì di tích này đón khách đến tham quan thì lại đón đủ loại người ra vào tạp nham, đủ mọi thành phần. Dẫn đến chuyện mất vật quý trong nhà mà cụ Vương đã hiến tặng cho Nhà nước, trong đó có 23 tủ sách được niêm phong để tại đây.