“Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một cuộc bầu cử và trao quyền lực cho bên chiến thắng”, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên của hội đồng cầm quyền, nói trong cuộc họp báo đầu tiên của quân đội kể từ sau vụ binh biến.
Quân đội Myanmar chưa ấn định thời điểm bầu cử chính thức. Ông Zaw Min Tun cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu dù đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 năm.
"Chúng tôi đảm bảo rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức", người phát ngôn nói trong cuộc họp báo phát trực tiếp qua Facebook, một nền tảng mà quân đội Myanmar đã cấm.
Khi được hỏi về việc giam giữ bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, người phát ngôn cho biết quân đội sẽ tuân thủ hiến pháp.
Bất chấp sự xuất hiện của xe bọc thép và binh lính ở một số thành phố lớn vào cuối tuần, những người biểu tình Myanmar vẫn tiếp tục đổ ra đường để yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi.
Những người biểu tình đã chặn các chuyến tàu giữa thủ đô cũ Yangon và thành phố Mawlamyine nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Đám đông hô vang các khẩu hiệu: “Hãy trả tự do cho các nhà lãnh đạo của chúng tôi ngay lập tức” hoặc “Sức mạnh của nhân dân, hãy trả lại nó”.
Trước đó, quân đội Myanmar đã tiến hành đảo chính với lý do cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 đã bị gian lận, cũng như phủ nhận chiến thắng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.
Đầu tuần này, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener đã nói chuyện với đại diện quân đội Myanmar, kêu gọi binh lính không đàn áp người biểu tình và khôi phục thông tin liên lạc.
“Bà Schraner Burgener đã củng cố rằng quyền hội họp hòa bình phải được tôn trọng đầy đủ và những người biểu tình không bị trả thù”, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết. "Bà ấy đã truyền đạt cho quân đội Myanmar rằng thế giới đang theo dõi chặt chẽ và bất kỳ hình thức đáp trả nặng tay nào đều có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng".