Truyện tranh Việt Nam không chỉ đơn thuần là phương tiện giải trí, mà còn là công cụ giáo dục và truyền bá văn hóa vô cùng hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giữ gìn và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống thông qua truyện tranh cũng chính là một con đường mà nhiều tác giả trẻ lựa chọn để thể hiện tình yêu quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc trên mọi miền Tổ Quốc.
Dễ dàng bắt gặp những mẩu truyện tranh do tác giả Việt Nam sáng tác trong lúc lướt mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng truyện tranh nội địa đem đến cảm giác gần gũi, thân thuộc và dễ dàng khơi gợi đồng cảm với bạn đọc Việt hơn. Từ những mẩu truyện lịch sử quen thuộc, những nét văn hóa bản sắc dân tộc thường hiện hữu bỗng như được khoác lên mình "chiếc áo mới", trở nên sống động hơn thông qua những nét vẽ và cách kể chuyện của tác giả.
Đối với những truyện tranh được đăng tải trên mạng thì các bạn trẻ sẽ tương tác và chia sẻ, lan tỏa cho nhiều người hơn cùng đón đọc; trong khi đó với bản giấy được xuất bản, các bạn trẻ sẽ có đôi chút cân nhắc do giá cả hoặc chất lượng in ấn.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Hoàng Vân Nhi (24 tuổi, Thanh Xuân) cho biết rằng bản thân có một sự quan tâm đặc biệt dành cho truyện tranh tác giả nước nhà: “Mình có thể thấy Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều có thể quảng bá văn hoá của họ thông qua truyện tranh, phim ảnh cho thế giới. Vậy nên mình nghĩ Việt Nam chúng mình với bề dày lịch sử văn hoá sẽ là một nguồn tư liệu dồi dào cho các tác giả trẻ.”
***
Không nằm ngoài phong trào lồng ghép những yếu tố văn hóa, lịch sử vào tác phẩm, anh Lê Vũ Kiến Duy cũng đã cho ra mắt bộ “Truyện ma sau 6 giờ”, một bộ truyện khai thác chủ đề yêu ma, tâm linh với những nét văn hóa đậm chất miền Tây nước Việt.
“Đối với mình, việc lựa chọn yếu tố văn hóa đưa vào truyện không gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các chi tiết văn hóa xuất hiện trong truyện đều bình dị, mộc mạc và gắn liền với tuổi thơ của mình và người miền Tây, ví dụ như đèn dầu, cúng đình, chim sáo sang sông...”, anh Duy chia sẻ. Tác giả sẽ lựa chọn những chi tiết gần gũi với đời sống mà phù hợp với cốt truyện, hơn là chọn những chi tiết văn hóa phức tạp và xây dựng tác phẩm phục vụ cho tình tiết ấy.
Ảnh 2. Tác giả Lê Vũ Kiến Duy (bên trái) chia sẻ tựa truyện tại một lễ hội (Ảnh: NVCC) |
Bản thân anh Duy là người mê đọc truyện tranh từ nhỏ và có niềm yêu thích văn hóa Nhật Bản từ truyện tranh nên anh càng hiểu khả năng truyền tải văn hóa mà một bộ truyện có thể làm được. Tác giả của “Truyện ma sau 6 giờ” cũng cho rằng truyện tranh mà trong đó có yếu tố văn hóa dân gian sẽ là một phương tiện để quảng bá nét đẹp truyền thống.
“Nhưng nếu một bộ truyện nếu chỉ để quảng bá văn hóa khô cứng sẽ khó được đón nhận hơn là văn hóa lồng ghép tự nhiên theo ý của tác giả”, anh Duy suy nghĩ. Theo quan điểm của anh, tác giả nên sáng tác tác phẩm mình tâm huyết trước, những chi tiết văn hóa được đưa vào cũng nên là những chi tiết mà tác giả thấy thích và hứng thú thì độc giả mới cảm nhận được.
***
Kho tàng về văn hóa của bản sắc Việt Nam đa dạng và phong phú vì đất nước có một lịch sử dân tộc trải dài hơn 4000 năm. Việc đưa những yếu tố văn hóa truyền thống vào các tác phẩm sách, truyện sẽ trở thành dấu ấn nhận diện rất lớn của tác giả Việt Nam. Tuy vậy, với những bộ truyện tranh lấy cảm hứng từ văn hoá lịch sử có thể dễ bị vấp phải những vấn đề nhạy cảm liên quan đến xuyên tạc lịch sử bởi nhiều nguyên nhân.
Nhà phê bình Phong Việt cho rằng truyện tranh Việt sẽ có cơ hội phát triển nếu biết tận dụng |
Theo như nhà phê bình, nhà thơ Phong Việt, một số tác giả trẻ thường hay sáng tác truyện tranh mang tính hư cấu và chỉ lấy cảm hứng từ văn hóa lịch sử làm tư liệu, bởi khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống dữ liệu xác đáng và thống nhất về lịch sử. Điều này vô hình trung khiến các tác giả mang tâm lý dè dặt khi phát triển hướng tiếp cận với kho tàng dân gian. Bên cạnh đó, nếu so với sự phổ biến của điện ảnh, truyện tranh Việt Nam vẫn là một thị trường ngách và chưa được nhiều nhà đầu tư chú ý đến.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, anh Trần Duy Nguyễn, Giám đốc Công ty Du Bút, cho biết: “Thị trường truyện tranh Việt vẫn còn nhỏ. Một bản manga (truyện tranh Nhật Bản) thường in từ 10.000-15.000 cuốn, trong khi truyện tranh Việt Nam rất e dè, chỉ từ 1.000-2.000 cuốn cho một lần in. Nếu xét về tiềm năng độc giả thì rất còn nhiều, chủ yếu là người ta có đủ bao dung để ủng hộ truyện tranh Việt Nam hay không. Bởi nói gì thì nói, truyện tranh Việt hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khó mà so sánh được với nước ngoài”.
Truyện tranh Việt Nam lấy đề tài văn hóa lịch sử đã và đang có tác động tích cực đến giới trẻ, giúp nâng cao nhận thức, kiến thức và lòng tự hào dân tộc. Để phát huy tối đa tiềm năng này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tác giả, nhà xuất bản và các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử để mở ra cơ hội cho truyên tranh Việt Nam được cất cánh bay xa.