Theo đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng, cơ quan, tổ chức và cá nhân về quảng bá, xúc tiến du lịch; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch; tư vấn dịch vụ, cung cấp thông tin, sản phẩm du lịch Hậu Giang đến với du khách, nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, thu hút khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đến tham quan, lưu trú và đầu tư phát triển du lịch tại Hậu Giang.
Cụ thể, tỉnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên nhiều phương tiện, hình thức, đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh công tác quảng bá trên các nền tảng internet; tranh thủ tiếp cận, đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng việc tư vấn, hỗ trợ nguồn vốn, chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trong năm 2024, tỉnh tổ chức hội thi bánh dân gian nhằm tạo sân chơi cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cách chế biến các loại bánh, nâng cao kỹ năng tay nghề, giá trị thẩm mỹ trong cách trình bày và góp phần lan tỏa ẩm thực bánh dân gian Hậu Giang đến du khách trong và ngoài nước; từng bước gắn kết văn hóa ẩm thực với phát triển du lịch. Tỉnh thực hiện chuỗi video clip (phim ngắn) nhằm quảng bá những món ăn đặc sản, lan tỏa niềm tự hào về văn hóa ẩm thực Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đến với du khách; khơi gợi sự đam mê, khám phá thú vị của những người yêu thích ẩm thực trên mọi miền đất nước. Ngoài ra, tỉnh khảo sát, trao đổi kinh nghiệm một số mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trong nước, nhằm tiếp thu những ý tưởng hay, sáng kiến mới của đơn vị bạn; từ đó đề ra phương hướng, kế hoạch phù hợp, tạo tiền đề phát triển du lịch và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang xác định ngành du lịch là một trong 4 trụ cột để phát triển kinh tế. Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, nổi bật là giá trị cảnh quan, sinh thái sông nước, hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái nông nghiệp. Cụ thể như cảnh quan sinh thái gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; cảnh quan sinh thái nông nghiệp với những vườn cây trái, những cánh đồng ruộng lúa rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn...
Hậu Giang có một di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh; một số công trình văn hóa tôn giáo; có nhiều lễ hội văn hóa; làng nghề truyền thống và ẩm thực với các đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp, 175 sản phẩm OCOP...
Hiện nay Hậu Giang tập trung phát triển sản phẩm du lịch chính như du lịch sinh thái, nông nghiệp, tâm linh, cộng đồng, văn hóa. Toàn tỉnh có hơn 20 điểm tham quan du lịch, phân bố trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố phục vụ du khách.