Liên quan đến quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào CĐ, ĐH. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.
UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài”, ông Phan Thanh Bình nói.
Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi, theo VOV.
Góp ý vào vấn đề, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua tổ chức thi “2 trong 1” THPT xảy ra nhiều tiêu cực, được dư luận quan tâm. Thi thì kết quả đậu rất cao, có địa phương đạt 99%. Theo ĐB Hòa, "việc thi có trúng trượt nhưng cách vừa qua xem có hợp lý hay không, bởi học sinh thi đậu gần hết".
“Tôi thống nhất quy định vẫn có thi THPT nhưng cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu, thời gian sau tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi THPT, chỉ cấp bằng THPT có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước. Bởi vì kỳ thi rất tốn kém mà nên tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, theo năng lực, từ đó chất lượng đầu vào đại học nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội”, báo Dân Việt trích lời ĐB Phạm Văn Hòa.
Tổng hợp