SHI vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2021 với các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.
Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm tại SHI tăng 39% so với cùng kỳ 2020, đạt gần 3.292 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tại SHI đạt hơn 83 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong 83 tỷ đồng này chiếm hơn 1 nửa thuộc về về công ty mẹ, tương đương mức lãi hơn 57,4 tỷ đồng.
Năm 2021, Sơn Hà đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch doanh thu và hơn 83% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù có thay đổi ấn tượng ở doanh thu và lợi nhuận nhưng dòng tiền kinh doanh lại là một điểm tối khi nhìn vào bức tranh tài chính của SHI.
6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh tại SHI đang ở trạng thái âm hơn 292 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 5,5 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do hàng tồn kho tại SHI tại ngày 30/6 tăng từ 1.053 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 1.196 tỷ đồng, tương đương tăng 14%. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 16% lên hơn 2.187 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục trả trước cho người bán ngắn hạn tăng mạnh 47% so với đầu năm, lên hơn 154 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Điều này phản ánh lợi nhuận chỉ ghi nhận trên sổ sách, thực tế vẫn chưa thu được tiền về. Ngoài ra, dòng tiền thuần trong kỳ tại SHI cũng âm hơn 98,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 60,5 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất quý 2/2021 cho thấy, tổng tài sản tại SHI tại thời điểm cuối tháng 6/2021 tăng 7% so với đầu năm, ghi nhận hơn 4.819 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu gần 1.377 tỷ đồng vànợ phải trả tại SHI hiện đang chiếm tỷ lệ khá cao, ở mức gần 3.443 tỷ đồng. Như vậy, tỷ số nợ phải trả/tổng tài sản của SHI là 71%, lớn gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu (có nghĩa 71% tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bởi nợ).
Trong đó, riêng nợ ngắn hạn phải trả chiếm hơn 3.191 tỷ đồng. Đặc biệt, do tăng cường hoạt động vay nợ khiến tổng số dư vay nợ tài chính tại SHI tăng 18% so với đầu năm, ghi nhận gần 2.392 tỷ đồng, chiếm tới 69% nợ phải trả. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ gần 2 lần.
Đáng lưu ý, vay nợ tài chính tại SHI đã vượt qua vốn chủ sở hữu của SHI (gần 1.377 tỷ đồng).
Hơn nữa, các khoản vay và nợ thuê tài chính của SHI chủ yếu là vay tại các ngân hàng, công ty tài chính đã đến hạn phải trả. Hiện ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất tại SHI, tiếp đến là ngân hàng Vietcombank, Vietinbank,... Đây sẽ là một trong những áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc xoay xở nguồn tiền để xử lý các khoản nợ.
Tại thời điểm cuối quý 2/2021, SHI chỉ có 128 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm 43% so với đầu năm. Ngoài ra, còn hơn 135 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng vào đạt gần 264 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ có thể giải quyết được rất nhỏ các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng như các khoản nợ ngắn hạn mà SHI đang 'sở hữu'.