Sáng 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới cơ sở, văn hóa thể thao quốc gia cùng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trong phát triển con người Việt Nam toàn diện về thể chất, tinh thần, góp phần thực hiện các mục tiêu, chiến lược về kinh tế-xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật các mục tiêu, nội dung liên quan trong các văn kiện, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng… nhằm định vị rõ mục đích, yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch; tham khảo kinh nghiệm, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế.
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có phương án tính toán quy mô, cấp độ (quốc tế, quốc gia, vùng), tiêu chuẩn kỹ thuật, lộ trình, tiêu chí ưu tiên lựa chọn đầu tư các dự án, công trình văn hóa, thể thao gắn với điều kiện hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, bản sắc văn hóa, đời sống xã hội… ở các vùng, miền, địa phương. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công trình văn hóa, thể thao quốc gia hướng đến đa mục tiêu từ các sự kiện quốc gia, quốc tế đến nhu cầu của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần có tư duy thiết kế rành mạch, rõ ràng cùng cơ chế, chính sách đặc thù của lĩnh vực văn hóa, thể thao để "phân vai" nhà nước (Trung ương, địa phương), xã hội, tư nhân trong đầu tư, quản trị, vận hành, khai thác các công trình.
"Thậm chí một số công trình ở tầm quốc gia nhưng có thể do địa phương, xã hội hay tư nhân thực hiện. Các công trình văn hóa, thể thao phải trở thành biểu tượng của thế kỷ XXI, của một Việt Nam hội nhập và phát triển; là điểm nhấn, dấu ấn kiến trúc, văn hóa trường tồn, góp phần phát triển các ngành công nghiệp xanh," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo tại phiên họp, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đồng bộ, hiện đại và bản sắc; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ văn hóa và thể dục, thể thao của nhân dân các vùng, miền, khu vực trong cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, có sự liên thông, liên kết ngành, vùng, liên kết với các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khác.
Hình thành cơ chế đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn và cơ chế thị trường, tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực có lợi thế, trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao; hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia được phát triển hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ ngày càng cao các thành quả thể dục, thể thao của nhân dân; yêu cầu tập luyện đạt chuẩn quốc tế của vận động viên các môn thể thao giành huy chương châu lục, olympic và tổ chức các sự kiện thể thao, các đại hội thể thao khu vực và châu lục.
Quy hoạch đã đặt mục tiêu cụ thể trong phát triển mạng lưới bảo tàng, thư viện; cơ sở điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm văn hoá nghệ thuật, trung tâm văn hóa ở trong nước và nước ngoài, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật; các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt...
Tại phiên họp, các đại biểu, ủy viên phản biên tập trung làm rõ sự cần thiết của việc lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 cấp quốc gia, mối liên hệ với hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao cấp địa phương, cơ sở; tiêu chí xác định danh mục dự án được đề xuất trong Quy hoạch; cơ chế xã hội hóa trong thực hiện các dự án, công trình...
Một số đại biểu đề nghị cần định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao phải đáp ứng đúng yêu cầu lý luận và thực tiễn khách quan, phát huy hiệu quả công năng sử dụng, tránh tình trạng sau khi khánh thành, các công trình ít được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích; tránh bị lạc hậu, chệch hướng với nhu cầu phát triển văn hóa, thể thao ở tầm nhìn năm 2045.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn tình hình sử dụng các cơ sở, trung tâm văn hóa trong cả nước, đặc biệt ở cấp xã, thôn, bản đang hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, xuống cấp nghiêm trọng; nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật, quỹ đất; tính đồng bộ, thống nhất với nội dung liên quan trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chuyên ngành quốc gia…
Bên cạnh đó, Quy hoạch phải tạo ra không gian rộng mở cho huy động nguồn lực trong xã hội, thay vì chỉ đề xuất các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước.