Tiếp tục góp phần bồi đắp kho tàng tri thức về khoa học xã hội và nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Ngày 28/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học với chủ đề "Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953 - 2023" đã được tổ chức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, tổng kết những thành tựu, nhận diện một số tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ đó góp phần đưa ra những định hướng, giải pháp thực tiễn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, cách đây 70 năm, ngày 2/12/1953, Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay) được thành lập trên mảnh đất Tân Trào lịch sử theo Nghị quyết số 34-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng. Cơ cấu tổ chức được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, viên chức không ngừng lớn mạnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ trình độ cao cho đất nước đạt được nhiều thành tựu nổi bật, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cho sự phát triển của nền khoa học xã hội nước nhà.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong mỗi giai đoạn của lịch sử vẻ vang 70 năm qua, dù có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm và cống hiến, các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật, thể hiện qua các 21 công trình, cụm công trình khoa học của Viện Hàn lâm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 công trình, cụm công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn thực hiện thành công nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu các cấp; xuất bản hàng ngàn đầu sách khoa học; hàng vạn tác phẩm khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế, được giới học thuật, các trường đại học, các nhà hoạch định chính sách công nhận là tài liệu có giá trị tham khảo cao trong nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học xã hội và nhân văn.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ngày nay, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu khẳng định, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bồi đắp cho kho tàng tri thức về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam.

Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Khoa học xã hội Việt Nam ra đời muộn, nhưng được thừa kế những di sản khoa học cùng với những phương pháp nghiên cứu hiện đại của các Trung tâm khoa học phương Tây có mặt tại Việt Nam từ trước đó và đặc biệt, được thừa kế trí tuệ của cha ông trong lịch sử nghìn năm văn hiến - dựng nước và giữ nước Việt Nam. Với lịch sử 70 năm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giới khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp nhất định, góp phần làm nên những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước, trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa và xây dựng con người…

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sỹ Quý, tuy vẫn còn những yếu kém nhất định và mặc dù tiềm năng tư duy và vốn văn hóa của giới khoa học xã hội còn khá nhiều thế mạnh chưa được khai thác hết, nhưng trên thực tế, khoa học xã hội Việt Nam đã đủ trình độ để thực hiện trách nhiệm của mình, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển học thuật và nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển đã hoạch định đến năm 2030, 2045 và xa hơn.

"Với sự phát triển thịnh vượng của đất nước, các quốc gia thành công đều là những quốc gia biết trọng dụng khoa học xã hội và có nền khoa học xã hội mạnh. Sự phát triển và thành bại của các quốc gia phụ thuộc rất lớn vào định hướng giá trị phát triển dựa trên trí tuệ khoa học xã hội", Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sỹ Quý chia sẻ.

Nhân dịp này các đại biểu tập trung trao đổi các nội dung về: 70 năm công việc viết lịch sử văn học Việt Nam kể từ ngày thành lập Ban Văn Sử Địa - năm 1953; khảo cổ học đô thị - vai trò và tầm quan trọng của nó trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam; một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học địa lý nhân văn trong quá trình phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; bối cảnh trong nước và quốc tế mới: cơ hội và thách thức trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu các vấn đề cơ bản về khoa học xã hội Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đào tạo về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước. Chính vì vậy, hội nhập quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi, chia sẻ và tiếp thu tri thức nhân loại về khoa học xã hội và nhân văn. Đến nay, Viện Hàn lâm có 38 đơn vị thuộc và trực thuộc, với đội ngũ nghiên cứu đông đảo, các viện nghiên cứu bao trùm mọi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.