“Đánh thức” tiềm lực đất đai, hướng tới mô hình thành phố sân bay, đô thị vệ tinh sinh thái
Nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh có diện tích đất tự nhiên trên 14 nghìn ha, 18 đơn vị hành chính cấp xã (16 xã, 2 thị trấn), với 99 thôn, tổ dân phố, dân số của huyện trên 25 vạn người. Cơ cấu kinh tế của huyện hiện tại công nghiệp-xây dựng 87%; dịch vụ 6,4%; nông nghiệp 6,6%; trên địa bàn huyện hiện có 2.416 doanh nghiệp đang hoạt động đóng góp doanh thu lớn cho địa phương.
Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, huyện có Khu công nghiệp Quang Minh, diện tích 410ha, với trên 500 doanh nghiệp; Khu đô thị mới Mê Linh diện tích trên 2.300 ha với 47 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai. Về hạ tầng giao thông, trên địa bàn có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, từ Mê Linh đến sân bay Nội Bài khoảng 8km; có đường Trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, huyện Mê Linh đang được Thành phố quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn đi qua huyện: Đường Vành đai 4 (dài 11,2 km) - cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48m); đường Cảng Chu Phan - Quốc Lộ 2; đường đê Sông Hồng (dài 21km).
Theo quy hoạch hiện nay, diện tích quy hoạch đô thị và công nghiệp của huyện là 44,78%; diện tích nằm trong khu vực phát triển quy hoạch nông thôn là 55,22%. Theo định hướng, Đồ án quy hoạch vùng huyện diện tích phát triển đô thị là 10.390ha/14.132ha, chiếm 73,52%.
Khu đô thị mới Mê Linh diện tích trên 2.300 ha với 47 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai. |
Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết việc quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, Mê Linh được định hướng trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững, làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành Quận (hoặc Thành phố trực thuộc Thủ đô); đề xuất quy hoạch tổ chức không gian đô thị, điểm dân cư nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội, dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp. Phát triển hệ thống hạ tầng khung đối với khu vực nông thôn, đảm bảo khớp nối với khu vực phát triển đô thị theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Mới đây, UBND Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng sự phát triển huyện Mê Linh gắn với sự phát triển của Thủ đô.
Cụ thể, huyện Mê Linh là một phần của thành phố mới tương lai (thành phố trong thành phố). Mê Linh cũng được quy hoạch theo hướng lên thành quận sau năm 2025.
Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tập trung nghiên cứu phát triển đô thị gắn với trục trung tâm là đường Vành đai 4 đi qua huyện 16 km làm động lực phát triển chính, Quy hoạch huyện Mê Linh hướng đến triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch.
Bên cạnh đó, cập nhật, bổ sung các nội dung của đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2014, làm cơ sở để nghiên cứu cập nhật, thống nhất trong quá trình lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bảo tồn, khớp nối quy hoạch các khu vực nông thôn, gắn với phát triển đô thị; bảo vệ giá trị cảnh quan (bao gồm cả cảnh quan mặt nước sông Hồng), môi trường sinh thái bổ trợ cho khu vực đô thị trung tâm sôi động bên trong đường Vành đai 4.
Quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái; quy hoạch bảo tồn các làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Đồng thời nghiên cứu khả năng tổ chức các khu chức năng có giá trị tạo động lực phát triển kinh tế mới cho địa phương trong mối quan hệ liên hệ vùng giữa tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội và quan hệ về không gian kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mê Linh với huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc); huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm.
Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của Thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, trung chuyển hàng hóa và các trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp...
Các KTS gợi ý Mê Linh cần trở thành trung tâm giao dịch rau hoa quả tại Việt Nam và kết nối quốc tế. |
“Quy hoạch xây dựng Vùng huyện lần này là cơ hội để huyện Mê Linh nghiên cứu, tính toán các lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, lấy trục Vành đai 4, Sân Bay Quốc tế Nội Bài làm lợi thế để nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức và sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, Logistics, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế tầm cỡ trong nước và khu vực”, Bí thư Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá quá trình thực hiện các quy hoạch của Mê Linh hiện nay còn chậm. Dù là một trong những huyện đầu tiên trên cả nước có quy hoạch trở thành thành phố vệ tinh, thành phố đối trọng của Hà Nội nhưng đến nay chưa thực hiện được.
“Tính độc lập của Mê Linh rất cao, vị trí của Mê Linh rất thuận lợi khi sát sông Hồng, trục hành lang Đông Tây. Mê Linh phải đảm nhiệm chức năng đô thị vệ tinh của Hà Nội để gánh vác thêm trách nhiệm của Hà Nội”, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định.
Tiềm lực đất đai của Mê Linh cần được đánh thức, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, dọn “tổ” cho đại bàng vào đầu tư bài bản, khoa học, đúng định hướng.
Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, với quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, đây sẽ là động lực rất lớn cho Mê Linh phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Cũng theo ông Cường, quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư đang muốn đầu tư vào khu vực này. Nếu như các khu vực khác của Hà Nội không còn nhiều đất trống để triển khai các dự án, quy hoạch mới, thì hiện Mê Linh còn rất nhiều quỹ đất trống.
Đây chính là cơ hội để quy hoạch có thể hiện thực hóa những ý tưởng mới, quy hoạch triển khai đồng bộ, toàn diện và cơ hội cho các nhà đầu tư, phát triển dự án trong tương lai.
Mê Linh hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố sân bay, đô thị sinh thái vệ tinh của Hà Nội. |
Những ý tưởng quy hoạch mang tầm quốc tế
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng với lợi thế từ vị trí địa lý, Mê Linh sẽ đóng vai trò kết nối giữa Hà Nội và các khu vực trung tâm trong vùng Thủ đô, ngoài ra cần phải phát huy những lợi thế nói trên để đưa huyện trở thành trung tâm phân phối, logistics liên quan về hàng hóa tiêu dùng và hàng không.
Theo KTS. Trần Huy Ánh, những giải pháp phát triển đô thị trên trục sông Hồng cần gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, KTS. Trần Huy Ánh cũng đánh giá cao phương án Hanoi News Town là một mô hình tiếp cận thông minh, mới mẻ.
TS. Hán Minh Cường – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (AIST), định hướng phát triển giao thông công cộng Mê Linh nhằm phát triển đa dạng loại hình giao thông công cộng trên địa bàn huyện giúp kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông công cộng Thủ đô, khuyến khích người dân sử dụng và hỗ trợ khai thác vận tải hành khách trên tuyến đường sắt đô thị, giúp hệ thống giao thông công cộng qua huyện Mê Linh được định hướng mạch lạc, giúp nâng cao năng lực giao thông trên hành lang vận tải phía Tây Bắc Thủ đô.
Bên cạnh đó tăng tính cạnh tranh mạnh trong hoạt động vận tải của khu vực, cải thiện năng lực vận tải bằng giao thông công cộng, đặc biệt phát triển đường sắt đô thị giúp tăng cường các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực. Ngoài ra, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư xây dựng huyện Mê Linh ngày càng phát triển và mang lại cơ hội phát triển các dịch vụ đô thị mới tại khu vực vùng lõi trung tâm huyện, nơi các hoạt động, các dự án phát triển đã được triển khai nhưng còn thiếu một vùng lõi đô thị có tính cạnh tranh, thu hút.
Hạ tầng giao thông Mê Linh được đầu tư lớn gần đây là một trong những cú huých quan trọng. |
Khẳng định Bắc Sông Hồng như một phần không tách rời của Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia của tập đoàn Tư vấn Haskonking Hà Lan đưa ra những ý tưởng quy hoạch cụ thể như: Núi và sông, tâm linh và kinh tế; Đô thị sông nước; Đô thị kết nối và Đô thị hội tụ. Haskonking Hà Lan đề nghị Mê Linh dành chỗ cho sông Hồng, tạo một vùng rộng ở Mê Linh, Đông Anh. Kết nối các sông nhánh từ trên xuống... Trên cơ sở có mạng lưới sông, sẽ xây dựng với các mô hình đô thị...
Đồng quan điểm này, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên KTS trưởng thành phố gợi ý Mê Linh có thể nghiên cứu phát triển các bãi ven sông, các khu dân cư ven sông.
Còn các kiến trúc sư của Công ty CP Flamingo cho biết một trong những tính chất, chức năng, vai trò của huyện Mê Linh cũng đã xác định là khu vực phát triển đô thị dịch vụ ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố gắn với vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ thân thiện môi trường.
Với tính chất này có thể hình thành những vùng phát triển tạo động lực đô thị: Khu vực đô thị dịch vụ sinh thái, vùng du lịch nông nghiệp sinh thái, cụm công viên chuyên đề hoa... bên cạnh đó có thể phát triển vùng đô thị gắn với khu đô thị đại học, khu đô thị sân bay...
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được đại diện Flamingo nhấn mạnh đó chính là việc gìn giữ bản sắc, di sản để tạo nên sự khác biệt, từ đó đề xuất phát triển vùng huyện theo xu hướng phát triển xanh bền vững, ứng phó với biến đổi khí hâu. Bên cạnh đó, hình thành những vùng chức năng đô thị Chuyên ngành: Vùng trung tâm công viên sinh thái – vui chơi giải trí; Vùng trung tâm; Khu vực dịch vụ hạ tầng xã hội; Khu vực công nghiệp; Khu vực đô thị.
Với gợi ý đó, nhóm nghiên cứu của Flamingo đã nghiên cứu đề xuất 4 mô hình áp dụng cho sự phát triển vùng huyện Mê Linh bao gồm: Áp dụng mô hình đô thị sinh thái; Áp dụng Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái công nghệ cao; Áp dụng Mô hình đô thị đại học trên địa bàn và Áp dụng Mô hình đô thị sân bay trên địa bàn.
Đại diện của tập đoàn Noble Hàn Quốc kỳ vọng sẽ được góp sức để xây dựng Mê Linh không chỉ là một thành phố Mê Linh, mà là một “Hà Nội khác”. Cận kề với Trung tâm. Ông lấy ví dụ nhiều thành phố lớn của thế giới đều có hai thành phố trung tâm, để thấy đây là một tương lai hoàn toàn có thể xảy ra với Hà Nội, với Mê Linh. Đại diện của tập đoàn Noble cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho 4 kịch bản cho quy hoạch của Mê Linh.
Các chuyên gia và KTS đều lưu ý Mê Linh nên bảo tồn vùng trồng hoa và những nét văn hóa đô thị "làng trong phố" riêng biệt chỉ Mê Linh có. |
Dựa vào lợi thế sẵn có của “thủ phủ” hoa Hà Nội của Mê Linh, đại diện Liên danh công ty Tư vấn xây dựng Ánh Dương gợi ý Mê Linh về giữ làng hoa, nhưng không chỉ là bảo tồn, mà phải đổi mới phát triển, sáng tạo. Hướng tới yếu tố Xanh, thông minh, bền vững, mang tầm quốc tế.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam, đồ án quy hoạch huyện Mê Linh đã làm đúng, các nghiên cứu về đô thị xanh thông minh là rất tốt. Vị chuyên gia nhận định, huyện Mê Linh đặc biệt có vị trí đối với thủ đô Hà Nội. Phải lấy điều đặc biệt này để quy hoạch, địa phận hành chính Mê Linh gần sân bay Nội Bài, không gian kinh tế kết nối có cao tốc Nội Bài, cao tốc HN - HP...
"Có mấy huyện có cả sân bay, cao tốc và đường sắt đi qua. Ngoài ra, huyện Mê Linh nằm trong trục sông Hồng. Từ đó, huyện Mê Linh có cơ hội khai thác phía Nam sông Hồng. Ngoài ra, Khu công nghiệp Quang Minh có diện tích 410ha, với trên 500 doanh nghiệp; Khu đô thị mới Mê Linh diện tích trên 2.300 ha với 47 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai. Đây là thế mạnh, để làm đô thị xanh, thông minh", ông Chính nói.
Đông đảo chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và các doanh nghiệp lớn "hiến kế" cho quy hoạch Mê Linh. |
Chia sẻ với PV Ngày Nay ngay sau khi kết thúc hội thảo, bí thư Nguyễn Thanh Liêm đánh giá cao các đề xuất từ phía chuyên gia, các tư vấn viên quốc tế, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Bí thư Mê Linh cho biết cần có thêm các động lực mới mang tính đột phá trong giai đoạn tới nhằm tạo cho huyện Mê Linh có sự chuyển mình lớn phù hợp với chủ trương lên Quận sau năm 2025. Trong tới gian tới Mê Linh sẽ tiếp tục nhận tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các đề xuất khả thi, đột phá từ cộng đồng doanh nghiệp để Mê Linh có một bản quy hoạch xứng với vị trí đặc biệt quan trọng của mình.