Nhà thơ Đoàn Vị Thượng (1959 – 2021) thuộc thế hệ những “cây bút vàng” trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất. Năm 1975 khi đang học lớp 10 tại miền Nam thì giải phóng, do đó ông nhảy cóc lên học lớp 12 và học thêm 1 năm sư phạm rồi đi dạy học. Đoàn Vi Thượng có hơn 10 năm đứng trên bục giảng tại quận 11, TP.HCM trước khi chuyển sang làm báo chuyên nghiệp.
Thời gian làm nghề giáo in đậm trong các sáng tác của Đoàn Vị Thượng, tiêu biểu là bài thơ Bụi phấn từng được in đi in lại trong rất nhiều các sách báo những năm 1980-1990. Bài Bụi phấn cũng từng được Bộ trưởng Giáo dục khi đó là bà Nguyễn Thị Bình tặng giấy khen.
Tài thơ của Đoàn Vị Thượng bộc lộ khá sớm khi ông học cấp 2 đã có thơ đăng trên các báo tại miền Nam khi đó, như: Thằng Bờm (của Nguyễn Vỹ), Thiếu Nhi (của ông Khai Trí - Nguyễn Hùng Trương), Tuổi Hoa (của linh mục Chân Tín) hay dành cho tuổi mới lớn như Tuổi Ngọc (của Duyên Anh)...
Gia đình và bạn thơ đến với buổi tưởng niệm một năm ngày mất nhà thơ Đoàn Vị Thượng. |
Thơ của ông được nhiều người thuộc lòng và những bài thơ tình được bạn đọc chép vào sổ tay. Nhà phê bình văn học, tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy cho biết bà là một fan của thơ Đoàn Vị Thượng từ thời học sinh. Tiến sĩ Tịnh Thy và bạn bè của bà ở Huế sau hơn 30 năm vẫn còn giữ những cuốn sổ tay chép thơ Đoàn Vị Thượng dù thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế không dễ giữ gìn.
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật Trần Quang Đoàn, ông sinh ra ở Huế nhưng đã theo gia đình vào sống ở Quảng Ngãi từ thuở bé. Tuổi chớm lớn của ông lại ở Sài Gòn nên thơ của ông chất chứa tâm hồn của những nơi ông từng sống. Như nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, đã tâm đắc khi đọc hai câu thơ này của Đoàn Vị Thượng: “Con bống sông Trà gầy bé lắm/ Chết còn mở mắt tiếc đường bơi”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhận xét về bạn viết cùng thời với ông: “Khác với chất giang hồ bụi bặm của Bùi Chí Vinh, màu sắc thị dân của Đỗ Trung Quân, cảm quan sinh viên trong thơ Cao Vũ Huy Miên, thơ Đoàn Vị Thượng gần với giọng thơ Trương Nam Hương ở khía cạnh bóng bẩy, đằm thắm, vỗ về nhưng cũng không kém phần tinh nghịch. Đoàn Vị Thượng và Trương Nam Hương đều là thi sĩ gốc Huế. Phải chăng đó là ADN của những người con của một vùng đất nổi tiếng mơ mộng trữ tình?”.
Tập thơ di cảo Thơ tình & những bài Áo Trắng. |
Dù nổi tiếng khá sớm trong thế hệ những “cây bút vàng” sau 1975, nhưng Đoàn Vị Thượng lại là người ít xuất hiện nhất khi số tác phẩm ông được in chỉ có 1 tập thơ riêng, 1 tập thơ in chung với Lê Minh Quốc và Phan Thị Nguyệt Hồng cùng 3 tập truyền dài. Từ năm 1991 đến khi nằm trên giường bệnh, Đoàn Vị Thượng không in tác phẩm nào.
Mãi đến cuối năm 2020, nhà thơ Từ Nguyên Thạch là bào huynh của Đoàn Vị Thượng mới sưu tầm các bài thơ in trên các báo lâu nay để thực hiện tập Thơ Đoàn Vị Thượng. Tập thơ này đến được tay tác giả không lâu thì Đoàn Vị Thượng qua đời.
Tập Thơ tình & những bài Áo Trắng chia làm 2 phần như tên tập thơ, do nhà thơ Từ Nguyên Thạch và nhà thơ Phạm Thanh Chương – thư ký tòa soạn tập san Áo Trắng sưu tầm các bài thơ của Đoàn Vị Thượng đã in trên các báo và trên Áo Trắng. Nhà thơ Từ Nguyên Thạch cho biết ông sẽ thực hiện thêm các tập thơ di cảo của bào đệ Đoàn Vị Thượng nếu sức khỏe cho phép và việc sưu tập thuận lợi.
Bạn bè và người yêu thơ Đoàn Vị Thượng sẽ còn nhớ mãi thơ ông với những câu dung dị, tinh nghịch và đầy tình cảm: “Thương con chim cũ/ Hót mãi bên hè/ Gã tình nhân mới/ Biết gì mà nghe”. Nhớ mãi giọng đọc thơ nhừa nhựa với cây đàn ghita dựng đứng không lẫn vào đâu của Đoàn Vị Thượng. Nhớ mãi người dẫn chuyện Đoàn Vị Thượng hóm hỉnh trong các chương trình đọc thơ và giao lưu văn nghệ…